Những ngày này, vườn quýt hồng của anh Trương An Đông (ấp Vồ Bà) đang sẵn sàng cho vụ trái Tết. Anh cho biết, cây quýt hồng rất thích hợp với thổ nhưỡng trên núi Cấm. Với 400 gốc quýt 6 năm tuổi, anh có thể thu về 6 tấn trái mỗi năm vào thời điểm cận Tết. Hơn nữa, quýt hồng trên núi Cấm có phẩm chất đặc biệt so với những nơi khác nên được thị trường đón nhận.
Theo các nhà vườn, quýt hồng xuất hiện trên núi Cấm cách đây 20 năm, khi một số người bắt đầu thử nghiệm giống cây này. So với “thủ phủ” quýt hồng tại Lai Vung (Đồng Tháp), quýt hồng núi Cấm có đặc điểm riêng, với vị ngọt và hương thơm nhẹ. Hiện nay, núi Cấm có 25 hộ dân đang canh tác quýt hồng với diện tích hơn 20ha và đã hình thành Tổ Hợp tác trồng quýt hồng núi Cấm.
Nhờ điều kiện thời tiết mát mẻ trên núi Cấm, cây quýt hồng phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Bình quân, mỗi năm nông dân trên núi Cấm xuất bán xuống đồng bằng khoảng 150 tấn trái phục vụ mùa Tết, với nguồn thu bình quân khoảng 70 triệu đồng/hộ/năm.
Vào mùa trái chín, những vườn quýt hồng núi Cấm đã được ngành chuyên môn phát triển thành sản phẩm du lịch, để phục vụ nhu cầu check-in của các bạn trẻ. Được sống trong không khí trong lành, tự tay hái quýt và thưởng thức hương vị thơm ngọt là trải nghiệm vô cùng thú vị, nhất là những bạn trẻ quen sống ở chốn thị thành.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cùng Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm đang nỗ lực phát triển loại hình du lịch theo mùa trên núi và quýt hồng là một trong những sản phẩm chủ lực. Với loại hình du lịch này, sẽ góp phần nâng cao giá trị các loại cây ăn trái đặc sản trên núi Cấm, giúp nhà vườn tăng thu nhập.
Với vẻ đẹp riêng, những vườn quýt hồng trên núi Cấm đang chờ bạn đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng vị ngọt từ thổ nhưỡng của Thiên Cấm Sơn hùng vĩ trong dịp Tết đến, xuân về.
THANH TIẾN