Lễ tắm Bà còn được gọi là lễ Mộc Dục (nghi lễ tắm thần), diễn ra vào 24 giờ, ngày 23/4 âm lịch và rạng sáng 24/4 âm lịch. Nghi lễ này gồm 3 phần chính: Chuẩn bị nước tắm Bà, tắm Bà, thay áo mão cho Bà.
Thời điểm này, nhiều chuỗi hoạt động cao điểm Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức. Xung quanh miếu Bà được tô điểm bởi rất nhiều hoa tươi, tạo nên không gian bắt mắt, thu hút du khách đếm tham quan, cúng viếng.
Từ sáng hôm nay, việc nấu nước tắm Bà diễn ra sôi nổi, quy tụ nhiều người tham gia. Quy trình nấu rất chu đáo, bao gồm nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên, người dân xa gần dâng cúng hoa tươi nguyên bó.
Mọi người tập trung tách cánh hoa ra thành nhiều rổ khác nhau. Đặc biệt, trước khi tách, ai nấy phải rửa tay sạch sẽ, cẩn thận từng chút để hoa giữ được độ tươi, hạn chế dập hoặc sót lá, vật thể khác.
Anh Khiêm (du khách TP. Hải Phòng) cùng gia đình đến viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, chờ mong được tham gia nấu nước tắm Bà. “Chúng tôi cảm thấy việc làm này rất linh thiêng, ý nghĩa, nên cố gắng sắp xếp thời gian đến Miếu Bà thật sớm, ở lại đến khi hoàn thành nghi thức tắm Bà” – anh chia sẻ.
Đúng 9 giờ, việc nấu nước bắt đầu, kéo dài đến chiều, đến khi nấu đủ 9 nồi nước. Ngoài trầm hương, trong nồi nước bao gồm 9 loại hoa đủ màu sắc, hương thơm, như: Lài, hồng (trắng, vàng, đỏ…), lay-ơn, phượng, sen, điệp, cúc…
Khu vực nấu nước tắm Bà luôn thoảng mùi thơm dễ chịu, thư thái của hương hoa tự nhiên.
Mỗi đợt nấu chỉ có thể nấu 3 nồi, nên phải chia thành 3 đợt, mỗi đợt từ 1 giờ 15 phút đến 1 giờ 30 phút. Thành viên tham gia nấu nước đều có nhiều năm kinh nghiệm, luôn tay đảo nồi nước, giữ lửa cháy đều dưới đáy nồi.
Những cánh hoa quyện màu với nhau thành dòng nước đỏ nhẹ. Nếu muốn màu thêm đậm, mọi người lại cho thêm hoa hồng đỏ thắm vào.
Nước được lọc qua tấm vải đỏ rực, bọc nắp cẩn thận, để nguội, chờ đến giờ thực hiện nghi lễ tắm Bà. Tất cả dụng cụ đều phải sạch sẽ, màu sắc tươi sáng, đặt nơi cao ráo, thoáng mát.
Trong khi đó, việc kết khăn tắm Bà được thực hiện khẩn trương. Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, số lượng khăn được khách thập phương dâng cúng nhiều hơn hẳn các năm trước, số lượng hàng ngàn chiếc. Tùy theo tâm nguyện của bản thân, mỗi cá nhân, tổ chức dâng cúng từ 20 – 50 chiếc khăn.
Tất cả đều mang màu sắc tươi mới, đủ kích cỡ, chất liệu, nhưng điều kiện tiên quyết là không được ra màu khi nhúng vào nước. Những chiếc khăn mới này dùng để nhúng vào các chậu nước hoa, vắt khô rồi lau lên cốt tượng.
Trên mỗi chiếc khăn đều ghi tên tuổi khách dâng cúng, mang theo lòng tín ngưỡng sâu sắc của người dân gửi đến Thánh Mẫu.
Bên cạnh đó, nhiều người còn dâng cúng nước hoa, phục vụ nghi thức tắm Bà. Mỗi chai nước hoa đều ghi tên người dâng cúng, được mở nắp sẵn, sắp xếp trong mâm vàng. Trong quá trình tắm Bà, từng chai được xịt một ít lên tượng Bà, biểu trưng cho việc Bà đã nhận lễ, sau đó gửi trả lại cho khách cúng.
Từ 17 giờ, miếu Bà sẽ ngừng mở cửa cho khách đến viếng, để tổng vệ sinh, cho các đoàn vào Miếu dâng lễ vật cúng Bà, thực hiện nghi thức Lễ Tắm Bà. Mọi hoạt động thăm viếng, cúng bái của người dân và hành khách sẽ tiếp tục trở lại sau khi Lễ Tắm Bà hoàn tất.
GIA KHÁNH