Sáng mãi hình ảnh người nữ anh hùng

02/03/2020 - 06:02

 - Chị là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng ngời, làm rạng rỡ thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam. Chị là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Néang Nghés và là người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đầu tiên trong tỉnh được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Nơi an nghỉ chị Néang Nghés được đầu tư nâng cấp, tôn tạo

Những ngày cuối tháng 2-2020, xã Ô Lâm (Tri Tôn, An Giang) tất bật chuẩn bị kỷ niệm 58 năm ngày mất của nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Néang Nghés. Trong câu chuyện của người dân nơi đây, ngoài chuyện đồng áng, hình ảnh người nữ anh hùng luôn được nhắc đến với lòng tự hào và sự tôn kính hết mực.

Chị Néang Nghés (sinh năm 1942, xã Ô Lâm) được sinh ra trong 1 gia đình Khmer có truyền thống cách mạng. Cha mẹ mất sớm, anh em chị được ông bà nội nuôi dưỡng. Sống trong vùng căn cứ cách mạng, chị được sự giáo dục của cán bộ, đảng viên và sớm giác ngộ tình yêu quê hương đất nước.

Năm 18 tuổi, chị tham gia cách mạng và đảm nhận công tác giao liên, tiếp tế gạo, thuốc, thông báo tin tức cho cách mạng… bằng nhiều hình thức thông minh, mưu trí che mắt kẻ thù, như: vào mùa khô, chị để đồ tiếp tế trong thùng phân bò gánh đi bón ruộng. Mùa nước, chị để thực phẩm, thuốc men trong cà-om, giả đi giăng câu để qua tai mắt của kẻ thù.

Ngoài ra, với vai trò là thành viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ giải phóng của xã, chị đã vận động, giáo dục nhiều chị em phụ nữ và quần chúng khác đi làm cách mạng chống lại quân thù, bảo vệ quê hương đất nước.

Thời gian này, nhiều cuộc đấu tranh trực diện của đồng bào Ô Lâm với đồn, bót; với quận trưởng Tri Tôn đòi chấm dứt càn quét, bắn phá, bồi thường nhân mạng, tài sản… chị Néang Nghés luôn là người đi đầu. Đến mức bọn ác ôn điểm mặt cảnh cáo và ghi vào “sổ đen” để rình rập, theo dõi.

Đầu năm 1962, tình hình chiến sự gặp nhiều khó khăn bởi quốc sách ấp chiến lược của địch. Chúng đánh phá ác liệt vùng Bảy Núi, đồng thời dỡ nhà, “lùa dân” vào ấp chiến lược nhằm tách người dân ra khỏi cơ sở cách mạng, càn quét vào vùng giải phóng Ô Lâm.

Chị Néang Nghés đã cùng các đoàn biểu tình của các xã ven núi Tô kéo vào quận Tri Tôn đấu tranh trực diện với tên quận trưởng. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, tên quận trưởng buộc lòng phải hứa hẹn, xoa dịu.

Ngày 13-3-1962, địch bất ngờ vây nhà lục soát và bắt đồng chí Néang Nghés cùng một số thuốc men chưa kịp chuyển đi. Chúng giam chị ở chuồng cọp tha la Băng Xây. Tại đây, chúng vừa tra tấn, vừa dụ dỗ nhưng vẫn không khuất phục được chị. Thất bại trong việc mua chuộc, tên đồn trưởng đã cưỡng hiếp và cho cả trung đội làm nhục chị.

Chúng đưa chị đến cánh đồng ven phum Chong KhSách rồi lùa đồng bào ra chứng kiến cảnh chúng hành hạ với những thủ đoạn tàn nhẫn như: đánh gãy 1 tay, cắt tai, ngực, lưỡi rồi mới bắn chết và ra lệnh không ai được đem xác chị đi chôn.

Thương tiếc và khâm phục chị bao nhiêu, bà con càng căm thù lũ giặc ác ôn bấy nhiêu. Hai ông Tà Xe và Tà Lết đã lén bọc thi thể chị trong chiếc đệm rồi cùng bà con đưa xác về chôn trên gò Xóp-Khmoh.

Ít lâu sau, Huyện ủy Tri Tôn tổ chức lễ truy điệu đồng chí Néang Nghés trọng thể, tuyên bố công nhận chị là đảng viên chính thức của Đảng Lao động Việt Nam. Năm 2005, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Néang Nghés vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chị là người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đầu tiên trong tỉnh An Giang được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Chị Néang Nghés là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng ngời, làm rạng rỡ thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam. Hình tượng đó đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác giả sáng tác thơ và nhạc. Nổi tiếng nhất phải kể đến vở ca múa nhạc “Chiếc áo nàng Sa Rết” ra đời năm 1967 trong chiến khu vùng căn cứ Bảy Núi, do tác giả Trình Minh Trị sáng tác.

Hiện nay, nơi an nghỉ của chị Néang Nghés được chính quyền địa phương đầu tư nâng cấp, tôn tạo… Đây là điểm đến ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa đồng bào dân tộc thiểu số Khmer và Kinh. Đặc biệt là lực lượng thanh, thiếu niên, phụ nữ để cùng chung tay, góp sức bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng quê hương Tri Tôn ngày càng văn minh, giàu đẹp.

ĐỨC TOÀN