Số ca mắc COVID-19 mới tăng 76% tại châu Á trong tuần qua

17/01/2022 - 14:00

Thế giới đang chứng kiến tình trạng số ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan trên quy mô toàn cầu. Trong đó, châu Á đang chứng kiến số ca mắc mới tăng nhanh trở lại sau nhiều tháng cơ bản khống chế được dịch bệnh.

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 tại 1 nhà ga đông đúc ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 13-1-2022. (Ảnh: REUTERS)

Trong tuần qua, số ca mắc mới trên toàn cầu tăng 14% so với tuần trước đó, lên hơn 19,4 triệu ca. Đáng chú ý, thế giới lần đầu tiên ghi nhận gần 3,4 triệu ca mắc mới trong 1 ngày (13/1).

Số ca nhập viện tăng đột biến và nhiều hệ thống y tế bị quá tải đã dẫn tới số bệnh nhân tử vong do Covid-19 tăng 9%, với hơn 48.722 trường hợp không qua khỏi trong 7 ngày qua.

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Châu Âu tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh của thế giới, khi chiếm phần lớn số ca mắc mới và tử vong toàn cầu. Trong tuần qua, châu lục này ghi nhận hơn 7,5 triệu ca mắc, tăng 2%, tức trung bình mỗi ngày có tới hơn1 triệu ca bệnh. Số ca tử vong tăng 2%, với thêm 20.755 người không qua khỏi trong đại dịch.

Pháp và Italia là 2 nước trong nhóm dẫn đầu châu lục và thế giới về số ca mắc mới trong tuần, lần lượt ghi nhận hơn 2 triệu và 1,2 triệu ca bệnh, đều tăng hơn 10%.

Đồ họa: TRUNG HƯNG

Biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh khiến số bệnh nhân phải nhập viện tại châu Âu cũng tăng nhanh. Đơn cử như tại Pháp, có ngày gần 800 bệnh nhân nhiễm Omicron phải nhập viện điều trị, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 4/2021. Theo dự báo, với tốc độ hiện nay, có tới một nửa dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể này trong 6 đến 8 tuần tới.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới trong đại dịch. Riêng trong tuần qua, nước này ghi nhận hơn 4,7 triệu ca mắc mới, giảm 7% so tuần trước, song số ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày tăng 7%, với gần 2.000 ca/ngày.

Trong khi đó, số ca nhập viện vì Covid-19 ở Mỹ liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục trong tuần. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi ngày trung bình hơn 19 nghìn người trên cả nước phải nhập viện vì nhiễm Omicron, tăng 33% so với tuần trước đó.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại phòng cách ly chăm sóc đặc biệt (ICU) của Bệnh viện Western Reserve, thành phố Cuyahoga Falls, Ohio, Mỹ, ngày 4/1/2022. (Ảnh: REUTERS)

Sự gia tăng này khiến các hệ thống y tế quá tải và buộc một số bang phải hoãn nhiều lịch phẫu thuật không khẩn cấp. Nhà Trắng phải huy động thêm 1.000 bác sĩ quân y tới trợ giúp các  bệnh viện đang quá tải tại nhiều bang.

Không chỉ Mỹ và châu Âu đang trong làn sóng lây nhiễm tăng cao, nhiều quốc gia châu Á cũng đang phải đặt trong tình trạng báo động do số ca nhiễm tăng mạnh. Trong tuần, châu Á ghi nhận hơn 3,4 triệu ca bệnh, tăng 76% so tuần trước đó. Số ca tử vong cũng trên đà tăng, với 7.542 ca, tăng 5%.

Trong đó, Ấn Độ chiếm phần lớn số ca mắc mới toàn châu lục, với mức tăng lên tới 113% (thêm 1,6 triệu ca bệnh) trong tuần, khiến số ca mắc mới tăng gấp 20 lần chỉ trong vòng 1 tháng qua. Số ca tử vong ở Ấn Độ cũng tăng mạnh 25%, với 2.546 người không qua khỏi trong tuần.

Tại Nhật Bản, sau 4 tháng gần như khống chế được dịch bệnh, số ca mắc mới lại vượt ngưỡng 20 nghìn ca/ngày, riêng ngày 15/1 đã vượt 25 nghìn ca. Trong tuần, nước này ghi nhận 95.498 ca bệnh, tăng vọt 312%. Số ca mắc mới trung bình ở thủ đô Tokyo cũng tăng gấp gần 6 lần so với 1 tuần trước đó.

Xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại thành phố Makati, Metro Manila, Philippines, ngày 5/1/2022. (Ảnh: REUTERS)

Ở Đông Nam Á, Philippines ghi nhận mức tăng mạnh 111% số ca mắc mới trong tuần qua, với thêm 240 nghìn ca bệnh. Riêng ngày 15/1, nước này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay với hơn 39 nghìn ca.

Trong khi đó, Australia lần đầu tiên ghi nhận hơn 147 nghìn ca mắc mới trong ngày. Mức tăng 46% số ca mắc mới trong tuần khiến nước này có thêm 749.839 ca bệnh.

Tính riêng trong 2 tuần đầu năm mới, Australia đã phát hiện gần 1,3 triệu ca bệnh trên tổng số 1,6 triệu ca kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng cũng khiến Australia chứng kiến số ca tử vong do Covid-19 theo ngày ở mức cao nhất trong hơn 15 tháng qua.

Tuy nhiên, thế giới cũng ghi nhận 1 điểm sáng trong điều trị Covid-19, với trên 7,7 triệu ca hồi phục trong tuần qua, tăng 56% so 7 ngày trước. Việc thúc đẩy tiêm vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của các nước để giảm gánh nặng đối với dịch vụ y tế.

Đáng chú ý, COVAX - chương trình chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đồng hành đã đạt dấu mốc phân phối 1 tỷ liều tính đến ngày 15/1. Có tổng cộng 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiếp nhận số vaccine viện trợ này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hơn 90 quốc gia trên thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 40% dân số, và hơn 85% người dân ở châu Phi vẫn chưa được tiêm 1 mũi vaccine nào, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế “không được phép lơi lỏng kiểm soát hoặc đầu hàng trước loại virus này”.

Theo TRUNG HƯNG (Nhân Dân)