Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới sắp chạm ngưỡng 208 triệu

16/08/2021 - 09:32

Tính đến sáng 16-8, thế giới ghi nhận 207.978.649 ca nhiễm COVID-19, với 4.374.668 ca tử vong. Trong khi cả thế giới đang vật lộn trong cuộc chiến với biến thể chết chóc Delta thì sự xuất hiện của biến thể mới Lambda với khả năng kháng vaccine đang khiến giới khoa học lo ngại không kém gì 'người họ hàng' Delta.

Theo yêu cầu của Ban tổ chức, nhân viên phục vụ tiến hành thay khẩu trang mới tại khu vực lối vào của Trung tâm Aviva trong thời gian diễn ra Giải quần vợt Canada mở rộng 2021 ở Toronto, Canada, ngày 15-8-2021. (Ảnh: Xinhua)

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với tốc độ lây lan như hiện nay, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu có thể vượt 300 triệu ca vào đầu năm 2022. Đáng lo ngại là danh sách các nước và vùng lãnh thổ xuất hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang tiếp tục được nối dài. WHO cũng đã phân loại biến thể Lambda vào danh sách các biến thể “được tiếp tục theo dõi” và mức độ cảnh giác được đặt ở dưới các biến thể “đáng lo ngại” hơn như các biến thể Alpha, Delta, Beta hoặc Gamma.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 16/8, hiện 31,2% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine, với 23,5% được tiêm đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi chỉ có 1,2% dân số tại các nước thu nhập thấp được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine.

Biến thể Lambda của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên ghi nhận ở Peru vào cuối năm 2020. Đây là biến thể nguy hiểm, có khả năng kháng vaccine và hiện lan tới hơn 41 quốc gia trên thế giới. Một số nghiên cứu mới đây cho biết biến thể Lambda có những đột biến có thể "trốn" được vaccine. Đáng lo ngại là biến thể Lambda, còn được gọi là C.37, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn các biến thể Alpha (Anh) và Gamma (Brazil).

Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 16/8 cho thấy, hiện toàn thế giới có 186.442.489 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 17.161.492 ca bệnh đang điều trị thì có 17.054.801 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 106.691 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 53.307.589 trường hợp, trong đó có 1.150.526 ca tử vong và 48.160.860 ca được điều trị khỏi.

Hiện Bắc Mỹ có 44.861.626 ca nhiễm bệnh, trong đó có 960.102 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 37.466.718 ca nhiễm và 637.561 ca tử vong vì COVID-19. Hiện dịch bệnh tại Mỹ đang diễn biến đang lo ngại cùng với cảnh báo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đưa ra về nguy cơ biến thể Lamda có nguy cơ gây nên làn sóng mới tại Mỹ, sau khi nước này ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm biến thể Lambda lan rộng khắp 44 bang trên cả nước.

Tính đến sáng 16/8, Nam Mỹ có 36.294.637 ca nhiễm COVID-19, với 1.112.172 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 20.364.099 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện châu Á đang là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 66.054.226 ca nhiễm COVID-19. Trong nhiều ngày qua, khu vực này luôn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 tính theo ngày.

Ngày 15/8, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận ca bệnh đầu tiên liên quan đến biến thể Lambda của virus gây bệnh COVID-19. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết Bộ Y tế đang giám sát chặt chẽ 54 khu vực trên toàn quốc đang ở mức báo động 4. Chính phủ đang mở rộng hơn nữa sức chứa của bệnh viện, cũng như nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy y tế để tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn.

Tính đến sáng 16/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 7.330.807 trường hợp, trong đó có 184.054 ca tử vong và 6.433.848 ca bình phục.

Hiện châu Đại Dương có 129.043 trường hợp nhiễm COVID-19, với 1.748 ca tử vong. Fiji hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 39.770 ca, tiếp theo sau là Australia với 39.600 ca.

Theo Đảng Cộng Sản