Tàu cứu hộ mang cờ hiệu Đức chở người di cư được giải cứu ngoài khơi bờ biển thành phố Sicily, Italy ngày 3/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo thống kê của Liên hợp quốc, giai đoạn từ tháng 1-3 năm nay là quý có số người di cư thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải cao nhất kể từ năm 2017.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong giai đoạn trên, 441 người di cư thiệt mạng khi tìm đường tới châu Âu nhưng cũng không loại trừ khả năng con số này vẫn thấp hơn thực tế.
IOM cho rằng việc các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ của các nước bị gián đoạn là một yếu tố dẫn tới một số vụ sự cố nghiêm trọng.
Giám đốc IOM Antonio Vitorino nhận định cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp diễn trong thời gian dài ở Địa Trung Hải là điều không thể chấp nhận. Hơn 20.000 người đã thiệt mạng trên tuyến đường di cư này kể từ năm 2014.
Lo sợ điều đang trở nên bình thường, ông kêu gọi các chính phủ hành động, giảm thiểu tình trạng gián đoạn hay thiếu các chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn.
IOM cho biết việc để xảy ra gián đoạn các chiến dịch trên là một phần nguyên nhân dẫn tới ít nhất là 6 vụ tai nạn người di cư trong năm 2023, khiến ít nhất 127 người thiệt mạng.
IOM đang điều tra một số báo cáo về các trường hợp thuyền chở người di cư mất tích mà không có người sống sót, không thấy thi thể và không có các chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn và tung tích của hơn 300 người trên những con thuyền này hiện chưa được xác định.
Trong diễn biến liên quan, ngày 12/4, Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia cho biết đã tìm thấy thi thể 10 người di cư sau khi tàu chở những người này bị chìm trên hành trình đến châu Âu ngày 11/4.
72 người đã được cứu trong khi 20-30 người di cư châu Phi còn mất tích khi tàu chìm ngoài khơi thành phố Sfax.
Cuối tuần qua, các vụ lật tàu chở người di cư ngoài khơi Tunisia cũng đã khiến ít nhất 27 người thiệt mạng.
Đảo Lampedusa của Italy nằm cách bờ biển Tunisia chỉ khoảng 150km. Điều này khiến Tunisia dần trở thành điểm trung chuyển phổ biến trên lộ trình di cư của những người châu Phi ở vùng Nam sa mạc Sahara đến châu Âu./.
Theo LÊ ÁNH (TTXVN/Vietnam+)