Sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

30/05/2022 - 08:05

Việc sử dụng giấy tờ hộ tịch điện tử là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, cần lộ trình cụ thể để thực hiện trong cả nước. Ngoài việc trang bị máy móc, đường truyền mạng tốt cho các cơ quan đăng ký hộ tịch ở địa phương, cán bộ tư pháp cần được tập huấn kỹ năng chuyên môn.

Luật sư tư vấn về hộ tịch cho người dân tại thành phố Hà Nội. (Ảnh BÁCH SEN)

Triển khai Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, ngày 4/1/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP. Đây là chủ trương được người dân đánh giá cao, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến vẫn gặp không ít vướng mắc, cần được tháo gỡ.

Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định, từ ngày 18/2/2022, người dân có thể yêu cầu giải quyết tất cả thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, trong đó có một số thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 4, tùy theo mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của địa phương… Việc sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch là xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Việc sử dụng bản hộ tịch điện tử tạo thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký hộ tịch. Thay vì đến cơ quan đăng ký hộ tịch, người dân có thể tự làm trực tuyến tại bất cứ nơi đâu, chỉ cần có thiết bị thông minh kết nối internet.

Cán bộ một cửa xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thiện thủ tục hành chính về hộ tịch cho người dân. (Ảnh THANH NGÂN)

Theo Phó Cục trưởng Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nhâm Ngọc Hiển, để đăng ký hộ tịch trực tuyến, cấp và sử dụng bản điện tử của giấy tờ hộ tịch hiệu quả, thì Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử phải được hoàn thiện, cập nhật dữ liệu đầy đủ, triển khai áp dụng thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc; có sự kết nối liên thông, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tại các cơ quan đăng ký hộ tịch địa phương được bảo đảm.

Tuy nhiên hiện nay, cả nước mới chỉ có 27 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông dữ liệu điện tử giữa Hệ thống thông tin một cửa điện tử/cổng dịch vụ công cấp tỉnh với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp; trong khi phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ đã sẵn sàng cho việc đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện xong việc số hóa sổ hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng, vận hành thống nhất, chưa được kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; người yêu cầu đăng ký hộ tịch chưa cung cấp được bản sao điện tử giấy tờ cá nhân…

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng đã gửi văn bản đề nghị Sở Tư pháp các địa phương chủ động phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan thực hiện công khai Danh mục các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch được thực hiện trực tuyến, mức độ trực tuyến và danh sách cơ quan đăng ký hộ tịch chưa có điều kiện tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến (nếu có) tại địa phương.

Một số cán bộ tư pháp tại các địa phương cho biết, thực tế hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tại một số nơi chưa thể đáp ứng việc đăng ký hộ tịch trực tuyến cho người dân. Nguồn nhân lực và trình độ chuyên môn, đặc biệt là khả năng sử dụng công nghệ thông tin của một số cán bộ tư pháp còn hạn chế. Không ít người dân vẫn chưa muốn đăng ký hộ tịch điện tử.

Ông Nguyễn Văn Nguyên (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Từ trước đến nay, tôi vẫn có thói quen sử dụng các loại giấy tờ viết tay, nhất là giấy tờ liên quan đến nhân thân. Mặc dù được biết từ ngày 18/2, một số thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, thường trú, khai tử... sẽ được thực hiện trên môi trường điện tử, nhưng với tôi, nó còn rất lạ lẫm vì không được hướng dẫn cụ thể".

Ngành tư pháp, các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ số hóa hộ tịch; gấp rút hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, để các quy định có lợi cho người dân được triển khai, đồng thời cần có hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những mặt tích cực và sự cần thiết của việc sử dụng loại giấy tờ điện tử này.

Theo HOÀNG PHAN (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích