Sudan điều tra các vụ bạo lực khiến hàng trăm người thương vong

23/09/2019 - 08:58

Các nhà lãnh đạo lực lượng đối lập đã yêu cầu thực hiện cuộc điều tra quốc tế - coi đây là một trong những nội dung của thoả thuận chia sẻ quyền lực với quân đội.

Ngày 22-9, Thủ tướng Sudan  Abdalla Hamdok đã khởi động cuộc điều tra độc lập về vụ bạo lực nhằm vào người biểu tình hồi tháng 6 vừa qua, khiến hàng trăm người thương vong.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các nhà lãnh đạo lực lượng đối lập đã yêu cầu thực hiện cuộc điều tra quốc tế - coi đây là một trong những nội dung của thoả thuận chia sẻ quyền lực với quân đội.

Thủ tướng Hamdok cho biết, cuộc điều tra sẽ do một uỷ ban gồm 7 thành viên, trong đó có 1 thẩm phán, 1 nhân vật độc lập và 2 luật sư, thực hiện.

Hàng chục nghìn người Sudan tham gia biểu tình tại thủ đô Khartoum. (Ảnh: THX-TTXVN)

Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ cũng có đại diện trong ủy ban. Các hoạt động điều tra sẽ kéo dài trong 6 tháng và Thủ tướng Hamdok cũng đã đề cập đến khả năng ủy ban sẽ cần sự hỗ trợ của Liên minh châu Phi.

Ngày 3-6-2019, trong lúc giải tán người biểu tình tập trung trước trụ sở Bộ Quốc phòng tại thủ đô Khartoum, lực lượng chức năng đã sử dụng bạo lực quá mức, khiến ít nhất 128 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Hồi tháng 7 vừa qua, các công tố viên Sudan đã tiến hành điều tra sơ bộ và bước đầu kết luận các tướng lĩnh của Hội đồng Quân sự chuyển tiếp không ra lệnh đàn áp người biểu tình.

Nguyên nhân xảy ra vụ việc được cho là lực lượng phản ứng nhanh bán vũ trang (RSF) đã hành động vượt quá thẩm quyền.

Hội đồng Quân sự chuyển tiếp nắm quyền lãnh đạo tại Sudan kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất ngày 11-4 vừa qua sau 30 năm cầm quyền.

Sau nhiều tuần diễn ra làn sóng biểu tình gần đây yêu cầu hội đồng trên chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, Ethiopia và AU đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Hội đồng Quân sự chuyển tiếp và Liên minh Tự do và Thay đổi - một liên minh gồm các nhóm đối lập và biểu tình.

Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ khi các lực lượng an ninh Sudan giải tán một khu trại của người biểu tình ở Khartoum hôm 3-6. Hai bên đã nối lại đàm phán vào đầu tháng này.

Ngày 5-7 vừa qua, sau hai ngày đàm phán tại thủ đô Khartoum, hai bên đã đạt thỏa thuận về chia sẻ quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp, theo đó, nhất trí "thành lập một hội đồng lãnh đạo luân phiên giữa quân đội và phía dân sự trong giai đoạn 3 năm hoặc lâu hơn."

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thành lập một chính phủ kỹ trị độc lập và tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, độc lập về các vụ bạo lực.

Theo LÊ QUANG TRƯỜNG (Vietnam+)