Phong trào "dòng máu tinh khiết" tập trung vào câu chuyện chống vaccine và những tuyên bố vô căn cứ khi cho rằng cơ thể sẽ bị "nhiễm bẩn" nếu nhận máu từ người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Với quan niệm "dòng máu tinh khiết", nhiều người hoài nghi vaccine phòng COVID-19 đã ngăn các y, bác sĩ truyền máu trong các ca phẫu thuật; nhiều nhóm trên mạng xã hội Facebook đã kích động bạo lực chống lại bác sĩ và nhiều người tìm kiếm những người hiến máu chưa từng tiêm vaccine.
Một số người còn ủng hộ việc lập ngân hàng máu riêng của người chưa tiêm vaccine, trong khi có những người cần tiếp máu đã yêu cầu được truyền máu từ những người hiến máu chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 để được truyền "máu sạch".
Một vụ việc điển hình về những người hoài nghi vaccine phòng COVID-19 được nhắc đến xảy ra ở News Zealand.
Đó là một cặp vợ chồng đã tìm cách ngăn các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật tim cho đứa con mới sinh của họ với lý do "máu truyền cho bé có thể từ người hiến máu đã tiêm vaccine ngừa COVID-19". Điều này đã buộc một tòa án phải can thiệp để cho phép ca phẫu thuật diễn ra bình thường.
Cũng với tư tưởng như trên, trong các nhóm kín trên mạng xã hội, những người hoài nghi vaccine tự nhận mình là mang "dòng máu tinh khiết", đã kích động việc chống lại các bác sĩ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cùng với tuyên bố sai sự thật về nhiều ca tử vong ở những người đã tiêm vaccine.
Tại Thụy Sĩ, một bác sĩ thực hành y học tự nhiên đã lập ra tổ chức phi lợi nhuận Safe Blood Donation (trụ sở ở Zurich), cho rằng vaccine mRNA ngừa COVID-19 là "mối đe dọa sức khỏe", từ đó tìm cách kết nối những người hiến máu chưa tiêm vaccine với những người nhận máu. Tổ chức này đã đề xuất thu gom máu của những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 để cung cấp cho các khách hàng thân quen. Các thành viên tham gia tổ chức cần đóng mức phí gia nhập ban đầu 50 euro (54 USD) và 20 euro/năm vào những năm tiếp theo...
Phản ứng về những quan niệm sai lệch này, giới chuyên gia khẳng định luận điệu của bài vaccine phòng COVID-19 đưa ra hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Theo đó, máu của người hiến đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 là an toàn với người nhận máu. Cũng như các vaccine khác, vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất để tạo phản ứng miễn dịch giúp bảo vệ con người không mắc bệnh và các thành phần vaccine không tìm thấy trong máu.
Các chuyên gia nhấn mạnh phong trào "máu an toàn" hoàn toàn dựa trên thông tin sai lệch, phản khoa học chống lại vaccine và dựa vào nỗi sợ hãi dịch bệnh để trục lợi.
Trong diễn biến liên quan, ngày 30/1/2023, khi thông báo về việc đại dịch COVID-19 vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh "cuộc chiến" chống đại dịch này vẫn gặp nhiều khó khăn do "niềm tin của công chúng vào các công cụ an toàn và hiệu quả để kiểm soát COVID-19 đang bị hủy hoại bởi một loạt thông tin sai lệch"./.
Theo TTXVN