Ngày 18/7 hằng năm, người dân Nam Phi và toàn thế giới tưởng nhớ cố Tổng thống “đất nước Cầu Vồng” Nelson Mandela – biểu tượng toàn cầu của công lý, hòa giải và tinh thần phụng sự. Đây không chỉ là dịp để suy ngẫm, mà còn là lời kêu gọi hành động: mỗi người đều có thể góp phần thay đổi thế giới.
AA
Ông Nelson Mandela (trái) tại một sự kiện ở Cape Town ngày 11/2/2010. Ảnh tư liệu: AFP//TTXVN
Những hành động cụ thể dù nhỏ khi được thực hiện với tinh thần Ubuntu (tôi là vì chúng ta) sẽ lan tỏa ảnh hưởng tích cực và lâu dài đến cộng đồng. Tuy nhiên, kỷ niệm Ngày quốc tế Nelson Mandela năm nay, người dân Nam Phi phải đối diện với thực tế: đất nước đang trải qua những thách thức nghiêm trọng về nghèo đói, bất bình đẳng và khủng hoảng quản trị – những điều đi ngược lại với lý tưởng mà Mandela theo đuổi.
Chủ đề Ngày quốc tế Nelson Mandela năm 2025 “Cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng vẫn nằm trong tay mỗi con người” thể hiện một thông điệp rõ ràng. Mỗi con người phải vượt qua những lời nói sáo rỗng hay hành động mang tính hình thức, cần có hành động hệ thống, dài hạn để giải quyết tận gốc các vấn đề.
Cố Tổng thống Mandela từng nhấn mạnh: “Đói nghèo không phải là tự nhiên. Nó là do con người tạo ra, và cũng có thể bị xóa bỏ bằng hành động của con người”. Đây là ngày người dân Nam Phi nói riêng và người dân toàn thế giới nói chung tôn vinh di sản của ông bằng cách mang tinh thần vị tha của Mandela vào cuộc sống hằng ngày, cùng với những hành động nhân văn, kết nối và tôn trọng, góp phần tạo nên tác động lâu dài cho sự phát triển của cộng đồng.
Ba thập niên sau khi chế độ apartheid chấm dứt, Nam Phi vẫn là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2025, khoảng 63,5% dân số Nam Phi sống dưới mức nghèo theo chuẩn thu nhập trung bình cao – một con số đáng báo động. Tỷ lệ thất nghiệp đạt 32,9% trong quý I/2025, trong đó thanh niên thất nghiệp chiếm tới 46,1%. Khu vực việc làm phi chính thức chiếm gần 20% tổng số lao động – cho thấy mức độ bấp bênh của sinh kế người dân.
Những con số ấy không đơn thuần là dữ liệu thống kê. Đó là tình cảnh của hàng triệu người đang vật lộn vì miếng cơm manh áo, của thanh niên mất phương hướng, và những cộng đồng bị gạt ra bên lề phát triển. Tam giác nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng tiếp tục định hình là thách thức của đất nước.
Trong Thông điệp Quốc gia năm 2025, Tổng thống Cyril Ramaphosa khẳng định Chính phủ Đoàn kết dân tộc sẽ tập trung vào tăng trưởng bao trùm và giảm chi phí sinh hoạt. Chính phủ đã và đang triển khai các chương trình tái phân phối tài nguyên qua trợ cấp xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục và nhà ở nhằm phá bỏ rào cản cơ cấu khiến người dân mắc kẹt trong nghèo đói. Theo Tổng thống Ramaphosa, với mức chi khoảng 60% ngân sách quốc gia cho các chương trình y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, phát triển cộng đồng và tạo việc làm công, Nam Phi "đang giảm bớt những tác động tồi tệ nhất của nghèo đói, và trao cho người dân cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo truyền kiếp.”
Thành công của các chương trình này phụ thuộc vào sự tham gia chủ động của người dân – yếu tố cốt lõi của một nền dân chủ phát triển và bền vững. Đó cũng là tinh thần của Mandela: khả năng lãnh đạo không nằm ở chức vụ, mà là ở mục đích và hành động vì cộng đồng.
Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia châu Phi – Nam Phi – đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Chủ đề của năm nay là “Đoàn kết, Bình đẳng và Bền vững”, phản ánh rõ nét những giá trị mà cố lãnh đạo Mandela theo đuổi. Trong đó, “Đoàn kết” mang ý nghĩa không để ai bị bỏ lại phía sau. “Bình đẳng” thúc đẩy việc phá bỏ các rào cản về giới tính, chủng tộc, địa vị và địa lý. Còn “Bền vững” là lời nhắc: phát triển hôm nay không thể đánh đổi tương lai.
Bài học lớn nhất từ di sản Nelson Mandela là: công bằng xã hội không tự nhiên sinh ra mà được xây dựng bằng hành động, bằng hy sinh và quyết tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, những hạn chế về cơ cấu – như thiếu ổn định trong cung cấp điện, nước, môi trường kinh doanh yếu kém và năng lực quản trị suy giảm – đang làm xói mòn niềm tin của công chúng. Bất chấp những nỗ lực cải cách, khoảng cách giàu nghèo vẫn không ngừng nới rộng.
Trong bối cảnh đó, tinh thần của Ngày quốc tế Nelson Mandela không thể bị giản lược thành một hoạt động từ thiện mang tính biểu tượng, hay một sự kiện truyền thông. Đó là lời kêu gọi xây dựng một nền văn hóa phục vụ – lấy hành động thực tế thay thế cho hứa hẹn suông.
Công nhân trên đường phố Johannesburg được tặng những chiếc khăn ấm của tổ chức Blankets for Nelson Mandela Day - một trong những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng diễn ra trên toàn thế giới để kỷ niệm Ngày sinh cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và chào mừng Ngày Quốc tế Nelson Mandela. Ảnh tư liệu: Hồng Minh/PV TTXVN tại Nam Phi
Chiến dịch “Hãy biến mỗi ngày thành Ngày Mandela” không chỉ yêu cầu đối mặt với nghèo đói và bất bình đẳng như các triệu chứng, mà là nhắm đến nguyên nhân cốt lõi của những vấn đề này. Sự kiện năm nay là dịp để mỗi chính phủ, tổ chức và cá nhân tái khẳng định cam kết đối với những giá trị di sản của nhà lãnh đạo Mandela: công bằng, phẩm giá, cơ hội và nhân phẩm cho mọi người.
Ước muốn của nhà lãnh đạo Mandela về một đất nước Nam Phi, cũng như một thế giới công bằng hơn sẽ không thể trở thành hiện thực nếu chỉ trông chờ vào các nhà lãnh đạo. Việc hiện thực hóa ước muốn trên đòi hỏi hành động từ mỗi cá nhân, mỗi ngày – bởi như Mandela từng nói: “Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo, dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề, bất kể danh tính của họ, nằm trong tay các bạn”.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: