Tái hiện miền "đất lửa" trên màn ảnh

11/04/2025 - 07:46

Quân khu 4 là địa bàn chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hứng chịu bom đạn ác liệt nhưng cũng là nơi ghi dấu những chiến công vang dội của quân và dân ta. Chính vì thế, không ít bộ phim kinh điển thuộc dòng phim LLVT và chiến tranh cách mạng (LLVT-CTCM) đã chọn nơi đây làm bối cảnh.

Một số tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam lấy bối cảnh Quân khu 4, như: “Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm” (năm 1972, kịch bản Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Hải Ninh) khắc họa cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị trong thời kỳ chia cắt đất nước; “Ngã ba Đồng Lộc” (năm 1997, kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Lưu Trọng Ninh) tái hiện sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong; “Đời cát” (năm 1999, kịch bản Nguyễn Quang Lập, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) mang đến một góc nhìn đầy nhân văn về hậu quả chiến tranh đối với con người; “Mùi cỏ cháy" (năm 2011, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười) tái hiện cuộc chiến đấu anh dũng của những người lính trẻ vốn là sinh viên Hà Nội tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972... Những bộ phim này không chỉ là các tác phẩm điện ảnh kinh điển mà còn là tài liệu lịch sử quý giá, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về những hy sinh, mất mát của cha ông thời chiến trên mảnh đất Quân khu 4 anh hùng.

Tái hiện miền "đất lửa" trên màn ảnh

Hình ảnh trên phim trường của bộ phim "Mùi cỏ cháy". Ảnh: PHẠM THANH HÀ

Dù từng là dòng phim chủ lực, nhưng số lượng phim về đề tài LLVT-CTCM, nhất là với bối cảnh Quân khu 4, ngày càng thưa vắng. Nguyên nhân đầu tiên có thể nhắc đến là xu hướng thị trường thay đổi khi hiện nay, phim thương mại và phim giải trí chiếm ưu thế. Kinh phí sản xuất lớn cũng là rào cản đáng kể khi làm phim về đề tài này đòi hỏi đầu tư cao. Các nhà sản xuất tư nhân e ngại đầu tư vào dòng phim về đề tài LLVT-CTCM vì khó thu hồi vốn. Trong khi đó, ngân sách nhà nước dành cho điện ảnh chưa đủ mạnh để tạo ra các tác phẩm có quy mô lớn. Sự thay đổi trong thị hiếu khán giả cũng là một yếu tố quan trọng khi khán giả trẻ ít tiếp xúc với lịch sử và có xu hướng quan tâm đến các chủ đề gần gũi với đời sống hiện tại hơn. Đồng thời, phim về đề tài LLVT-CTCM do Nhà nước đặt hàng vẫn chưa chú trọng đến khâu quảng bá, truyền thông nên càng khó tiếp cận với khán giả. Thế hệ đạo diễn, biên kịch giỏi về đề tài này ngày càng hiếm.

Để có thêm những bộ phim chất lượng lấy bối cảnh Quân khu 4 trong chiến tranh chống Mỹ, cần có những giải pháp đồng bộ và từ nhiều nguồn cùng phối hợp. Trước hết là nguồn hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn cho dòng phim về đề tài LLVT-CTCM, đặc biệt là các dự án có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, cần kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa bằng cách kết hợp giữa nguồn ngân sách nhà nước và sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức tư nhân để có kinh phí sản xuất đủ lớn. Đổi mới cách kể chuyện cũng là một hướng đi quan trọng, khi phim về đề tài LLVT-CTCM không nhất thiết phải nặng về tuyên truyền mà cần có cách tiếp cận mới, khai thác sâu yếu tố con người, tâm lý nhân vật trong chiến tranh và hậu chiến. Ngoài ra, hiện nay có thể ứng dụng công nghệ làm phim hiện đại như sử dụng CGI, kỹ xảo để tái hiện chân thực các trận chiến mà không cần đầu tư quá lớn vào bối cảnh thực tế. Một giải pháp khả thi là khuyến khích thế hệ làm phim trẻ thông qua việc tổ chức các cuộc thi kịch bản, hỗ trợ đào tạo đạo diễn, biên kịch trẻ để họ có thể tiếp cận và sáng tạo trên chất liệu những câu chuyện lịch sử. Đưa phim về đề tài LLVT-CTCM vào nền tảng trực tuyến như Netflix, Galaxy Play, VieON... cũng giúp phim tiếp cận khán giả trẻ một cách thuận tiện hơn.

Hiện nay một dự án phim về đề tài LLVT-CTCM lấy bối cảnh Quân khu 4 đang được hoàn thiện để ra mắt nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn là phim “Mưa đỏ” (đạo diễn Đặng Thái Huyền) do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất. Đây hứa hẹn sẽ là một bộ phim thành công, được đầu tư bài bản, công phu, xứng đáng tiếp nối truyền thống điện ảnh cách mạng Việt Nam về đề tài Quân khu 4. 

Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một phần quan trọng của lịch sử dân tộc và điện ảnh cách mạng Việt Nam. Dù số lượng phim về đề tài LLVT-CTCM còn khiêm tốn, nhưng với sự đầu tư bài bản, cách tiếp cận mới cùng sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ, điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục cho ra đời những tác phẩm giá trị về vùng đất này, góp phần lưu giữ, lan tỏa tinh thần yêu nước đến các thế hệ sau.

Theo Quân đội nhân dân