Tạo khung pháp lý cho báo chí tác nghiệp

12/03/2024 - 06:47

 - Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì soạn thảo.

Cần bổ sung, sửa đổi một số chính sách

Cơ quan chủ trì soạn thảo thông tin, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí...

Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành, một số quy định bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí, như: Quy định về điều kiện cấp thẻ nhà báo; lãnh đạo cơ quan báo chí và điều kiện, tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí… Từ đó, Bộ TT&TT đề xuất sửa đổi, bổ sung các nhóm chính sách tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Trước hết, cần hoàn thiện các quy định về phạm vi thông tin của cơ quan báo chí; thu hẹp đối tượng được phép thành lập tạp chí khoa học, thu hẹp đối tượng cấp thẻ nhà báo (không gồm những người công tác tại tạp chí khoa học) và tạp chí khoa học không mở văn phòng đại diện tại các địa phương; cần có cơ chế phát triển mô hình tập đoàn báo chí. Đồng thời, hoàn thiện điều kiện cấp thẻ nhà báo; xuất khẩu nội dung báo nói, báo hình và hoàn thiện một số quy định để khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực thi và quy định đối với hoạt động nhập khẩu báo in, tạp chí in.

Cần bảo đảm quyền, nghĩa vụ của phóng viên chưa phải nhà báo

Theo Bộ TT&TT, Luật Báo chí 2016 hiện hành quy định, nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo và một số quy định đề cập đến chức danh phóng viên (PV), song chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của nhà báo. Tuy nhiên, trên thực tế, có những người làm tại cơ quan báo chí (PV, biên tập viên…) có hoạt động nghiệp vụ, nhưng chưa được cấp thẻ nhà báo, trong khi Luật Báo chí chưa quy định quyền, nghĩa vụ, cách thức tác nghiệp báo chí của những người này. Theo quy định, để được cấp thẻ nhà báo cần đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về thời gian công tác, bằng cấp.

Nhìn nhận về Luật Báo chí năm 2016, TS Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hà Nội) thông tin, việc hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực báo chí là vô cùng quan trọng, đặc biệt, để “gỡ khó” và phát triển báo chí theo hướng bao quát các mô hình, vấn đề của truyền thông hiện đại và phát triển kinh tế báo chí. Khoản 1, Điều 25 quy định: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”, nhưng chưa bao quát các đối tượng đang thực hiện nghiệp vụ trong cơ quan báo chí.

Tại Điều 25, Khoản 2 ghi quyền của nhà báo là “được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ quan, tổ chức yêu cầu nhà báo phải có thư giới thiệu hoặc giấy mời mới làm việc. Hoặc các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương căn cứ vào tôn chỉ, mục đích của các tờ báo để lấy cớ từ chối tiếp nhà báo. Điều này gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp của nhà báo.

Mặt khác, có những nhà báo lại dựa vào quy định này để đòi hỏi những điều trái với công việc của họ. Như vậy, Điều 25 cần được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn. Về điều kiện, quy định được cấp thẻ nhà báo, luật cũng chưa thể hiện cụ thể. Ngoài thẻ nhà báo, Luật Báo chí năm 2016 không quy định về bất cứ thẻ nào trong hoạt động tác nghiệp của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều PV, cộng tác viên của các cơ quan báo chí tác nghiệp bằng các loại thẻ khác nhau, dễ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo, cần có chế tài để xử lý vi phạm này. Đồng thời, việc những PV chưa đủ điều kiện được cấp thẻ nhà báo được cấp giấy giới thiệu theo hướng dẫn của Bộ TT&TT cần được quy định cụ thể trong Luật Báo chí.

Nhiều PV thông tin, trong quá trình tác nghiệp còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử, có nhiều trường hợp PV dù đã xuất trình giấy giới thiệu, nhưng vẫn không được tác nghiệp, vì tòa án yêu cầu phải có thẻ nhà báo… Trong hoạt động báo chí, PV phần lớn có thẻ báo chí, nhưng số lượng người làm báo chưa được cấp thẻ nhà báo chiếm tỷ lệ khá cao. Trong thực tế, những người này khi hoạt động báo chí phải sử dụng giấy giới thiệu của cơ quan cấp để liên hệ làm việc, phỏng vấn cá nhân, đơn vị. Luật Báo chí hiện hành chưa có quy định cụ thể việc này.

Theo đó, lần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí sắp tới cần xây dựng hành lang pháp lý cho những người hoạt động báo chí nhưng chưa được cấp thẻ. Bộ TT&TT đề xuất bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ, cách thức tác nghiệp của những người hoạt động báo chí nhưng chưa được cấp thẻ; đồng thời quy định rõ những người tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, yêu cầu đối với giấy giới thiệu để thống nhất thực hiện.

N.R