Liều vaccine dán nhãn COVID-19 được trữ trong đá khô. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, là quốc gia công nghiệp cuối cùng triển khai chương trình tiêm chủng diện rộng, Nhật Bản có thể phải đối mặt với với tình trạng thiếu tủ lạnh và đá khô bảo quản, cũng như những khó khăn trong việc điều động nhân viên y tế.
Thủ tướng Yoshihide Suga khẳng định vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thành công sự kiện Olympic trong năm nay sau khi bị trì hoãn từ năm ngoái. Những mũi tiêm đầu tiên sẽ được dành cho nhân viên y tế từ cuối tháng 2.
Nhật Bản sẽ cần tập trung vận chuyển 870.000 liều vaccine/ngày để hoàn thành tiêm chủng cho một nửa dân số trước ngày khai mạc Thế vận hội 23-7.
“Kế hoạch của chính phủ đã tạo ra một gánh nặng lớn cho các địa phương cơ sở về việc cung ứng vaccine. Những khu vực đô thị lớn như Tokyo có thể sẵn cơ sở hạ tầng để triển khai chương trình tiêm chủng một cách suôn sẻ, nhưng đối với các vùng ở nông thôn, điều kiện sẽ khó khăn hơn”, Koji Wada – cố vấn chính sách COVID-19 của chính phủ - nhận định.
Các công ty chuyên về vận chuyển dược phẩm cũng báo cáo có thể không đủ những thùng container chuyên dụng để vận chuyển vaccine Pfizer. Theo yêu cầu của nhà sản xuất, vaccine này phải được bảo quản ở nhiệt độ -75 độ C, lạnh hơn rất nhiều thùng lạnh tiêu chuẩn.
Bên cạnh thiếu hụt đá khô và thùng lạnh để bảo quản vaccime, nguồn nhân lực huy động cho chương trình tiêm chủng là các nhân viên y tế cũng đã kiệt sức trước làn sóng COVID-19 thứ ba tại quốc gia châu Á.
Việc cấp phép sử dụng cho vaccine Pfizer dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 2 tại Nhật Bản. Trước thời điểm đó, Bộ Y tế ngày 27-1 sẽ triển khai một cuộc diễn tập tiêm chủng tại khu thể thao trường đại học ở Kawasaki cách Tokyo 27 km về phía Nam.
Nhân viên y tế tiêm liều vaccine của Pfizer cho người dân Tây Ban Nha. Ảnh: Kyodo
Nhật Bản đã ký kết hợp đồng mua đủ vaccine Pfizer để tiêm chủng cho 72 triệu người Nhật Bản. Chính phủ cũng đang mua khoảng 20.000 tủ lạnh chuyên dụng và tìm nguồn cung đá khô để phục vụ cho công tác vận chuyển.
Theo một công ty chuyên sản xuất đá khô, mỗi năm Nhật Bản sản xuất khoảng 350.000 tấn đá khô nhưng chủ yếu là để bảo quản thực phẩm. Để vận chuyển vaccine, chính phủ sẽ cần loại đá dạng hạt hoặc dạng bột, có thể giữ nhiệt độ lạnh hơn so với các khối đá khô tiêu chuẩn được sử dụng cho thực phẩm.
“Không chỉ là thay đổi một phần chi tiết máy móc, phương pháp sản xuất cũng phải khác. Sẽ mất đến vài tháng để có thể sản xuất được loại đá khô theo yêu cầu”, công ty đá khô cho hay.
Nihon Freezer, công ty chuyên về tủ lạnh công nghiệp, được cho là sẽ sản xuất 2.300 tủ lạnh cho chính phủ, nhưng hợp đồng chính thức chỉ được ký kết cho đến khi Nhật Bản phê duyệt vacicne đầu tiên. Những chiếc tủ này có thể cắm vào bất kỳ ổ cắm 100V tiêu chuẩn nào ở Nhật Bản.
“Chúng tôi đã làm được khoảng một nửa theo yêu cầu, phần còn lại sẽ hoàn thành vào tháng 6. Việc tìm kiếm đủ linh kiện gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tăng đột biến”, đại diện công ty cho biết.
Sau khi được phân phối, các nhân viên y tế sẽ là người chịu trách nhiệm tiêm vaccine cho người dân. Theo kết quả một cuộc khảo sát của Kyodo News, khoảng 80% chính quyền các tỉnh lo ngại không đủ nhân viên để thực hiện quy trình tiêm. Nhiều bác sĩ tuyến đầu cho biết họ thiếu nhân lực để đối phó với khủng hoảng.
Nhật Bản cũng đã ký hợp đồng mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine từ nhiều nhà sản xuất, song dự kiến thời gian Nhật Bản nhận được các lô hàng này sẽ kéo dài nhiều tháng. Yoshihito Niki, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Showa, cho biết điều này có thể làm gia tăng sự nghi ngờ về việc tổ chức Thế vận hội, nhưng việc vội vàng sẽ còn mang đến kết quả tồi tệ hơn. “Tốt hơn là nên tiến hành một cách thận trọng và cẩn thận với việc tiêm chủng thay vì buộc các địa phương phải gấp rút chuẩn bị”, chuyên gia kết luận.
Theo BẢO HÀ (Báo Tin Tức)