Thăm dinh Sơn Trung

12/03/2023 - 09:08

 - Mỗi ngày (không tính cao điểm lễ), bình quân 300 người tìm đến thăm Khu Di tích cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, dinh Sơn Trung (xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Họ đến vì cảnh đẹp, vì đức tin. Trên hết, họ đến để tưởng nhớ người anh hùng áo vải một lòng vì dân, vì nước ngày xưa.

Ngoài đền thờ Đức Cố Quản điểm chính đặt tại xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú), Khu Di tích Dinh Sơn Trung cũng thờ cúng Người. 

Khu di tích được đầu tư nâng cấp, xây dựng ngày càng khang trang, đẹp mắt hơn, đủ sức đón hàng ngàn du khách vào cao điểm ngày hội truyền thống.

Con cháu tưởng nhớ tiền nhân bằng nhiều cách, trong đó định kỳ 2 năm sẽ trùng tu, chỉnh trang khu vực thờ cúng, quang cảnh khu di tích. Việc chỉnh trang càng được thực hiện ráo riết vào trước ngày diễn ra lễ giỗ của Đức Cố Quản (21, 22/2 âm lịch).

Vùng đất lịch sử này còn có tên gọi khác là “Bảy Thưa - Láng Linh” bởi đặc điểm tự nhiên độc đáo. “Láng” được hiểu là vùng đất trũng, “Linh” là tên gọi của một loài cá đặc trưng tại nơi này. Theo một số người dân, “Linh” còn biểu hiện cho sự linh thiêng ở chốn rừng sâu, do đó họ thường đến đây để cầu khấn cuộc sống bình an, hạnh phúc. 

Trong dinh Sơn Trung hiện nay, có 2 báu vật tương truyền thuộc về Đức Cố Quản. Hàng năm, vào lễ giỗ Đức Cố Quản, Ban Quản lý dinh sẽ đem tất cả ra lau chùi, bảo quản. Cặp thanh gươm này có kích thước khá lớn 5,5kg – 5,8kg, dài 1,6m.

Theo nhiều nguồn sử sách, Đức Cố vóc dáng quắc thước, cao ráo, mới có thể sử dụng cặp gươm khổng lồ này. Để ngăn chặn tính hiếu kỳ của mọi người, cặp gươm được bảo vệ kỹ lưỡng.

Hộp ấn này được cho là ấn của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, vì Đức Cố Quản là học trò của thầy Đoàn Minh Huyên. Trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà văn Sơn Nam viết: “Trần Văn Thành từng tham gia những trận chống quân xâm lược Xiêm, đời Thiệu Trị.

Qua đời Tự Đức, thấy sự áp bức của vua quan, ông trở thành tín đồ của Đoàn Minh Huyên, bấy lâu nổi danh với tài trị bệnh, cải cách Phật giáo, bỏ những nghi thức rườm rà, nhằm huy động nông dân chống lại phong kiến”. Bằng tất cả lòng thành kính, người sau nâng niu, trân quý báu vật, dù các câu chuyện còn mơ hồ.

Về thăm dinh Sơn Trung là chuyến về với lịch sử, với cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa (kéo dài 6 năm, từ năm 1867 - 1873). Thực dân Pháp dốc toàn lực kiên quyết tiêu diệt Quản cơ Trần Văn Thành cùng nghĩa binh, với vũ khí tối tân, lực lượng hùng hậu. Cuộc khởi nghĩa minh chứng tinh thần kiên trì, bền bỉ, dũng cảm của nhân dân An Giang nói riêng, Tây Nam Bộ nói chung.

Điểm nhấn lớn nhất của dinh Sơn Trung là "lò rèn". Không khuất phục giặc, Quản cơ Trần Văn Thành huy động lực lượng về đây xây dựng căn cứ. Lúc bấy giờ, ông đã tổ chức 9 đội quân, đặt bộ chỉ huy tại trung tâm Láng Linh - Bảy Thưa, dựng đồn lũy, trạm canh gác với phạm vi rất rộng, số lượng nghĩa quân chống Pháp lên đến hơn 1.200 người. Tại đây, ông còn xây dựng hệ thống đồn phòng vệ, có cả lò rèn đúc súng đạn, sản xuất khí giới, tích trữ lương thực cho cuộc chiến lâu dài.

Thời gian vùi lấp tất cả dấu vết người xưa. Về sau này, dân địa phương lấy làm lạ vì gò đất cao nhưng cỏ không mọc, trâu bò không lên. Họ đào gò đất, gặp vụn sắt và vật dụng làm rèn. Tất cả được lưu giữ lại, nhắc nhớ cuộc chiến oai hùng ngày trước.

Bên kia con rạch là đền thờ bà cố Nguyễn Thị Thạnh – vợ của Đức Cố Quản cơ Trần Văn Thành, nổi bật giữa cánh đồng lúa xanh mướt. Đền thờ được người dân địa phương, cá nhân, tổ chức đóng góp xây dựng, để tưởng nhớ công ơn bà đã vượt qua khó khăn, nguy hiểm, cung cấp lương thực cho nghĩa binh.

Mỗi góc khu di tích đều được trùng tu, xây dựng khang trang, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, du khách vừa trải nghiệm không gian lịch sử, vừa trải nghiệm nét đẹp của địa điểm du lịch, thoải mái “check-in”, lưu giữ kỷ niệm khi đến với nơi này.

Ngoài ra, đền Vua Hùng đang được xây dựng hoàn chỉnh, gồm 7 tầng tháp. Tầng 1 là nơi thờ 18 đời Vua Hùng, với hình ảnh và thông tin cụ thể của từng vị, được tham khảo theo đền thờ Vua Hùng ở tỉnh Phú Thọ. Các tầng còn lại đều thờ anh hùng dân tộc, người có công với quê hương, đất nước.

71 tuổi, ông Nguyễn Văn Sanh (Ban Quản lý dinh) có 23 năm gắn bó với nơi này, trong khi nguyên quán ở tỉnh Hậu Giang. Đang làm kế toán một công ty, ông vô tình ghé thăm dinh, rồi được mời tham gia quản lý dinh đến nay. Hàng trăm, hàng ngàn lần thuyết minh về khu di tích cho khách xa gần, ông càng yêu mến nơi mình gắn bó: “Đức Cố Quản rất xứng đáng là người anh hùng áo đen ở ĐBSCL, với những cách thể hiện lòng yêu nước vô cùng to lớn. Tôi kỳ vọng con cháu, đất nước sẽ có nhiều người kiệt xuất như thế, duy trì được truyền thống anh hùng của dân tộc”.

Chúng tôi ra về, mang theo lời gửi gắm của ông Sanh đến bạn đọc xa gần: Những lúc rảnh rỗi, nhớ trở về khu di tích Bảy Thưa, để hiểu thấu tinh thần “Thà thua xuống láng xuống bưng/ Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần”. Và rồi, điều đó thôi thúc lớp trẻ nối gót người xưa phát huy truyền thống anh hùng, bắt đầu từ bài học biết ơn tiền bối hy sinh tính mạng dựng nước và giữ nước.

KHÁNH ĐĂNG