Tín ngưỡng thiêng liêng
Tôi đến đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (Bửu Hương tự) vào một buổi trưa nắng đổ. Khung cảnh khu di tích lịch sử - văn hóa này ít khi vắng khách, nhất là trong thời điểm cận kề lễ giỗ của Đức Cố Quản. Người dân từ khắp nơi đổ về đây, thắp nén hương tưởng nhớ công lao của ông cùng đội nghĩa binh Gia Nghị. Với họ, Quản cơ Trần Văn Thành được gọi với danh xưng vừa thành kính, vừa gần gũi: Đức Cố.
Ông Trần Minh Hiển (Phó Trưởng ban Quản lý Di tích đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành) cho hay: “Theo lời người xưa, Đức Cố cùng với binh lính dưới quyền ngoài việc xây đồn kháng Pháp còn dạy người dân phải biết sống hiền lương, khai hoang trồng trọt. Nếu không có Đức Cố và nghĩa binh Gia Nghị, vùng Láng Linh này chắc rất lâu mới có dấu chân người lui tới.
Dù Đức Cố không đuổi được Pháp, nhưng ngài cũng truyền dạy cho người dân về lòng yêu nước, phải biết đền ơn dân tộc, tổ tiên, ông bà. Người dân ở vùng Láng Linh trong mỗi dịp lễ giỗ của Đức Cố đều đến thắp hương tưởng nhớ công đức to lớn và dặn lòng mình phải sống có nghĩa, có nhân”.
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành tại xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú)
Hiện nay, đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được trùng tu khang trang hơn, nhưng vẫn giữ nét nguyên bản của một di tích lịch sử - văn hóa gắn chặt với đất và người Láng Linh mấy trăm năm nay. Trong chánh điện, ngôi thờ Đức Cố Quản cùng người vợ Nguyễn Thị Thạnh được bày trí rất trang trọng và luôn nghi ngút khói hương.
Người dân sống gần đền thờ thường tới lui hàng ngày để thắp hương, cầu nguyện cho gia đạo an vui, "quốc thới dân an". Trong những ngày lễ giỗ Đức Cố hay các lễ cúng tại đền thờ, họ cũng tới phụ việc gói bánh, lau dọn, trang hoàng khu di tích như một sự đền đáp công ơn to lớn của các bậc tiền nhân.
“Năm nào đến lễ giỗ cũng có rất đông người dân trong, ngoài địa phương đến cúng viếng Đức Cố Quản và các bậc anh hùng có công chống Pháp. Lễ giỗ Đức Cố được nâng cấp thành Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú nhiều năm nay, với các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, văn hóa - thể thao đặc sắc. Sự kiện này trở thành niềm tự hào cho người dân địa phương, như sự nhắc nhở mọi người về truyền thống anh hùng của quê hương” - ông Trần Minh Hiển cho biết thêm.
Lễ hội đặc sắc
Có dịp đến với Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú mới thấy được sự tín ngưỡng mà các thế hệ người dân vùng Láng Linh dành cho Đức Cố Quản và đội nghĩa binh Gia Nghị. Với ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện này, UBND huyện Châu Phú đã có kế hoạch cũng như phân công cụ thể các ban, ngành, địa phương thực hiện những công việc quan trọng, nhằm đảm bảo công tác tổ chức đạt hiệu quả cao nhất.
Người dân thường xuyên đến cúng viếng Quản cơ Trần Văn Thành
Năm nay, Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú lần thứ XXI sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 10 đến 13/3/2023) với lễ khai hội, lễ khánh thành tượng đài Quản cơ Trần Văn Thành, với các hoạt động triển lãm, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Đặc biệt, xã Thạnh Mỹ Tây sẽ chủ trì tổ chức Ngày hội bánh dân gian, nhằm phục vụ đông đảo người dân, du khách trong ngày 10 và 11/3.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám, Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú nhằm giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc về tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm qua cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa. Thông qua lễ hội nhằm giới thiệu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia của huyện Châu Phú đến với nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Điểm mới của lễ hội năm nay là sự kiện khánh thành tượng đài Quản cơ Trần Văn Thành tại Bửu Hương tự. Đây là công trình vừa mang ý nghĩa biểu tượng, vừa mang ý nghĩa tâm linh độc đáo của vùng đất Láng Linh hôm nay. Láng Linh xưa là vùng hiểm địa, đầm lầy chằng chịt, rừng rậm hoang vu để Đức Cố Quản dựng đồn, đắp lũy ngăn chống quân thù.
Ngày nay, Láng Linh "khoác chiếc áo mới" với những con đường nhựa thẳng tắp, nhà cửa khang trang và đồng lúa xanh tít tắp quanh năm. Tượng đài Đức Cố Quản uy nghiêm, hướng nhìn về phía xa trong dáng đứng oai hùng như biểu tượng cho tinh thần yêu nước của cha ông và cũng là nơi để người dân gửi gắm niềm tin, lòng tín ngưỡng đến vị anh hùng dân tộc.
Dù là sự kiện thường niên nhưng Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú vẫn luôn là điểm đến tâm linh đặc sắc, thể hiện hào khí anh hùng của vùng đất Láng Linh xưa và nay. Đó là cơ sở để UBND huyện Châu Phú tiếp tục nâng cấp, phát triển lễ hội cả về quy mô và chất lượng nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, vui chơi của người dân, du khách trong thời gian tới.
|
THANH TIẾN