Nhiều ý kiến về trình tự, thủ tục bồi thường, thu hồi đất
Đóng góp về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ quan tâm đến quy định trình tự, thủ tục bồi thường, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng... Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định), Khoản 32, Điều 79 quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ Khoản 1 đến Khoản 31 của điều này, thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Quy định như dự thảo luật đảm bảo phù hợp với Điều 54 của Hiến pháp, đó là Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và do luật định, thì báo cáo với Quốc hội. Việc này đã khắc phục được tình trạng quy định chung chung, không rõ ràng như dự thảo luật trước đây.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Thảo luận tại hội trường, có 49 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu tranh luận và 72 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian. Nhiều đại biểu băn khoăn, nếu dự luật được thông qua tại kỳ họp Quốc hội này và cho rằng, việc thông qua luật có thể chậm nhưng phải thật chắc, để đảm bảo đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân.
Tham gia phát biểu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đóng góp, Điều 87 (trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, dự án quốc gia công cộng) quy định thời gian vận động chỉ có 10 ngày là chưa đủ. Đồng thời, thực tiễn xét xử cho các vụ kiện hành chính có liên quan đến quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, quyết định cưỡng chế thì luôn đòi hỏi phải xác định rõ số lần vận động và phải lập biên bản. Đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tăng thêm thời gian vận động trên 15 ngày, vận động 3 lần, sau đó mới ban hành quyết định.
Cân nhắc tiếp tục nghiên cứu ở kỳ họp sau
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến 2 lần tại kỳ họp thứ 4 và 5, dự kiến được thông qua ngày 29/11, trước phiên bế mạc kỳ họp. Tuy nhiên, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật dài 413 trang, còn tới 16 nội dung vẫn đang thiết kế 2 - 3 phương án, chỉ có 5 nội dung có 1 phương án. Tại phiên thảo luận, bên cạnh những ý kiến đề nghị Quốc hội thông qua dự thảo ngay tại kỳ họp này bởi “rất cấp bách”, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc lại thời điểm.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng Quốc hội “cần cẩn trọng”. Theo ông, nếu như chưa thống nhất được nhiều vấn đề phức tạp, thì cần cân nhắc, tiếp tục nghiên cứu ở kỳ họp sau. Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nhận định, một dự thảo còn nhiều phương án 2 mà trình ra Quốc hội và nhiều đại biểu đăng ký phát biểu mà chưa phát biểu, thì rất cần thận trọng trước khi thông qua. Nếu chúng ta sửa đổi mà không nghiên cứu một cách thấu đáo, sẽ dẫn đến những vướng mắc khác, sau khi luật có hiệu lực. “Luật Đất đai rất quan trọng, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau, đề xuất nhiều phương án. Tôi đề xuất nên có một kỳ họp bất thường của Quốc hội để tiếp tục thảo luận về dự thảo luật này, để luật đi vào cuộc sống sau khi được ban hành và được người dân đồng tình cao…” - đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa 2 đợt họp trong kỳ họp này để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt, chỉ trình Quốc hội thông qua dự án luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi. Một sơ suất, một điều khoản của luật sau khi ban hành nếu có bất cập, sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển.
Với ý nghĩa quan trọng đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được tính toán xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội. Điều 76, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định, tại kỳ họp thứ nhất và thứ hai, sau khi đã thực hiện các bước, như: Trình dự án; đại biểu thảo luận; lấy ý kiến Nhân dân; tiếp thu, chỉnh lý; đại biểu tiếp tục thảo luận… thì tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật.
Tuy nhiên, luật cũng có quy định dự phòng đối với tình huống dự thảo chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần. Khi đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, khi có đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội hoàn toàn có thể quyết định việc chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 này, nếu như dự luật còn nhiều vấn đề lớn phải xem xét.
N.R