Thế giới đã ghi nhận trên 242,9 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

20/10/2021 - 08:06

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 19-10, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 242.909.637 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.924.181 ca tử vong. Số người bình phục tính đến nay là 219.373.108 ca.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất, hiện lần lượt là 45.909.637 ca và 746.529 ca. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (603.521 ca) và Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (34.105.890 ca).

Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với trên 78 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 61,8 triệu ca. Con số này ở Bắc Mỹ là trên 55,1 triệu ca và Nam Mỹ là trên 21,6 triệu ca. Tuy nhiên, xét theo số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất (1.266.046 ca), tiếp đến là Nam Mỹ (1.164.621 ca), châu Á (1.151.440 ca) và Bắc Mỹ (1.122.370 ca). Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn. Số ca nhiễm tại đây hiện là 8,5 triệu ca và 216.245 ca tử vong. Các con số ở châu Đại Dương lần lượt là 280.194 ca và 3.444 ca.

Dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu khi nhiều nước ghi nhận tình trạng tăng vọt số ca mắc và tử vong. Trong 24 giờ qua, trên toàn nước Nga ghi nhận 1.015 ca tử vong vì COVID-19, tăng so với mức 998 ca được ghi nhận 1 ngày trước đó và nâng tổng số ca tử vong lên 225.325 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 33.740 ca mới, nâng tổng số lên hơn 8 triệu ca. Trong khi đó, số bệnh nhân được xuất viện tăng thêm 23.426 người lên hơn 7 triệu người, chiếm 87,3% số ca mắc. 

Ukraine ngày 19-10 ghi nhận dấu mốc buồn khi có thêm 538 ca tử vong, mức cao nhất trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Nước này cũng ghi nhận 15.579 ca mắc mới và thêm 2.852 ca nhập viện. Tới nay, Ukraine đã ghi nhận hơn 2,6 triệu ca mắc và 61.000 ca tử vong.

Trong khi đó, Bulgaria cũng ghi nhận mức tăng cao nhất trong một ngày (với 4.979 ca nhiễm mới), trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh. Số ca tử vong cũng tăng lên 22.488 ca sau khi có thêm 214 người không qua khỏi. 

Romania không nằm ngoài xu thế này khi ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục 18.863 ca ngày 19-10. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 574 ca tử vong, cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bucharest, Romania. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Anh, sự lây lan dịch ở trẻ em tại vùng England là nguyên nhân khiến số ca mắc mới gia tăng gần đây trên toàn quốc, đồng thời khiến nhiều nhà khoa học quan ngại về tiến độ chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine tại các trường học. Số ca mắc COVID-19 tại Anh nhìn chung hiện cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác và đang ngày một tăng lên. Một cuộc khảo sát được công bố hồi tuần trước cho thấy tỷ lệ lây lan ở mức cao nhất kể từ tháng 1-2021, với 8% số học sinh trung học sơ sở mắc bệnh. Tỷ lệ tiêm chủng cho nhóm tuổi đến trường ở vùng England đang tụt hậu so với nhiều quốc gia châu Âu khác và thậm chí với cả vùng Scotland.

Trao đổi với báo giới, nhà virus học Lawrence Young tại Đại học Warwick nhấn mạnh: “Rõ ràng điều đáng lo ngại lúc này là chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi đang diễn ra không được suôn sẻ”. Chuyên gia này lưu ý sự lây lan của các loại virus khác có thể tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” trong mùa Đông cho Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) nếu số ca mắc lây lan sang người lớn tuổi hơn và dễ bị tổn thương hơn.

Tại châu Á, Malaysia đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong kiểm soát đại dịch. Bộ Y tế đã ghi nhận 5.745 ca mắc mới trong ngày 19-10. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, nước này khống chế được số ca mắc dưới mốc 6.000 ca - mức thấp nhất trong hơn 100 ngày qua. Tổng Thư ký Bộ Y tế, Tiến sĩ Noor Hisham chia sẻ rằng nhận thức của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể là việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và tuân thủ các quy định giãn cách. Điều này góp phần tự bảo vệ bản thân cũng như những người thân trong gia đình.

Cùng ngày, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Campuchia Tassilo Brinzer nhận định nước này có thể mở cửa trở lại đất nước cho tất cả du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì đã triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh cùng các biện pháp khác. Ông Brinzer cho biết hiện là thời điểm thích hợp để Campuchia đón du khách quay trở lại. Trong bối cảnh nước này đang từng bước mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế với những quyết định mới về giảm thời gian cách ly và các điều kiện trong thư mời khách và nhà đầu tư, việc số ca mắc COVID-19 giảm 19 ngày liên tiếp sẽ là điều kiện thuận lợi để sớm mở cửa trở lại.

Bộ Y tế Lào ngày 19-10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 657 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 656 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 32.971 trường hợp.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó tại Philippines, Bộ Y tế cùng ngày thông báo có  4.496 ca mắc mới, nâng tổng số ca ghi nhận ở nước này lên 2.731.735 ca. Cũng theo bộ này, cùng ngày có thêm 211 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người tử vong của cả nước lên 40.972 người. Đây là những con số thấp nhất kể từ ngày 28-7 vừa qua.

Tại Lào, Bộ Y tế cũng ghi nhận thêm 5 ca tử vong do COVID-19, con số cao nhất trong một ngày; nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 45 trường hợp. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, Lào đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong và hầu hết đều là người cao tuổi, có bệnh lý nền và chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 mới tại Lào cũng tăng cao trở lại. Đáng chú ý là tình hình dịch bệnh tại thủ đô Viêng Chăn sau 2 ngày có chiều hướng giảm thì ngày 19-10 lại ghi nhận số ca cộng đồng ở mức 3 con số và đứng đầu cả nước với 239 trường hợp. Điều này khiến số bản được quy định là vùng đỏ tại thủ đô vẫn ở mức cao với 227 bản tại 7 quận.

Trung Quốc ngày 18-10 ghi nhận 9 ca lây nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng - mức trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 9 vừa qua. Một số thành phố ở nước này đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, chính quyền thành phố Nhị Liên Hạo Đặc (Erenhot) ở Khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc, đã áp đặt phong tỏa nhẹ sau khi ghi nhận 2 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Theo đó, yêu cầu người dân trong thành phố không ra khỏi nhà trừ phi có việc cần thiết; cấm các phương tiện ra vào thành phố, ngoại trừ những trường hợp có giấy phép đi đường; đóng cửa các tụ điểm công cộng không gian kín như rạp chiếu phim, quán cafe internet, phòng tập thể dục và ngừng mọi hoạt động tại các địa điểm du lịch cũng như những nơi hoạt động tôn giáo.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sydney, bang New South Wales, Australia. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Australia, các biện pháp hạn chế tại thủ đô Canberra sẽ được nới lỏng hơn nữa sau khi thành phố này đạt mốc quan trọng trong chương trình tiêm chủng. Vùng lãnh thổ thủ đô Australia (ACT) là vùng đầu tiên ở nước này đạt được độ bao phủ tiêm chủng đầy đủ 80% dân số từ 12 tuổi trở lên. Do vậy, lần đầu tiên kể từ ngày 12-8, hoạt động bán lẻ không thiết yếu tại Canberra sẽ được phép hoạt động trở lại vào ngày 22-10 nhằm kích thích hoạt động kinh tế tại vùng này.

Tại châu Mỹ, trong bối cảnh một số chương trình hỗ trợ dành cho các cá nhân và doanh nghiệp trong đại dịch sẽ kết thúc trong tuần này, Chính phủ Canada cho biết hầu hết các chương trình này vẫn có thể được gia hạn trong ngắn hạn mà không cần ban hành luật mới.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland khẳng định việc mở cửa trở lại nền kinh tế Canada đang diễn ra tốt đẹp và quốc gia Bắc Mỹ này đang ở một giai đoạn khác của đại dịch. Hiện bà đang tham khảo ý kiến các nhà kinh tế, các nhóm kinh doanh và các tổ chức lao động, Bộ Tài chính và Thủ tướng Justin Trudeau về các bước đi tiếp theo, song lưu ý rằng tình hình trong thời gian tới đây vẫn còn nhiều bất ổn. Theo kế hoạch, 5 chương trình hỗ trợ được áp dụng trong đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 23-10. Các tổ chức kinh doanh đã nhấn mạnh cần phải duy trì các biện pháp hỗ trợ trong thời gian tới nhằm giữ cho nền kinh tế hoạt động tốt.

Trong một diễn biến mới liên quan đến vaccine, các nguồn tin giấu tên cho biết Ấn Độ đã hoãn cam kết cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX, một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ không "cắt ngắn giai đoạn" để cấp phép sử dụng vaccine Covaxin do Ấn Độ tự bào chế. Nguồn cung vaccine cho COVAX bị đình trệ có thể gây xáo trộn các nỗ lực tiêm phòng ở nhiều nước châu Phi, vốn dựa vào cơ chế này.

Theo BÍCH LIÊN (TTXVN)