Thế giới đã ghi nhận trên 448,5 triệu ca mắc COVID-19

09/03/2022 - 07:52

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 8-3 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 448.597.111 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.029.808 ca tử vong. Số ca hồi phục là 382.852.393 ca.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Coral Gables, gần Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 80.979.977 ca mắc và 985.914 ca tử vong. Tiếp đó đến Ấn Độ với 42.971.308 ca mắc và 515.241 ca tử vong; Brazil với 29.069.469 ca mắc và 652.418 ca tử vong. 

Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 nặng và nguy kịch lên tới mức cao nhất trong 2 tháng qua, trong bối cảnh biến thể Omicron đang tiếp tục lây lan nhanh ra khắp cả nước, gây ra nhiều ổ dịch mới. Theo Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ngày 8/3 ghi nhận thêm 202.721 ca mắc mới, trong đó có 202.647 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mới vượt quá 200.000 ca/ngày. Số ca nặng và nguy kịch hiện là 1.007 ca, tăng 52 ca so với ngày 7/3. Trước đó, con số này đã ghi nhận mức cao kỷ lục vào ngày 29/12/2021 với 1.151 ca. Biến thể Omicron đã làm số ca nhiễm tăng nhanh chưa từng thấy tại Hàn Quốc trong vài tuần gần đây. Tổng số ca nhiễm đã vượt 4 triệu vào ngày 5/3, chỉ 5 ngày sau khi ghi nhận 3 triệu ca. Đầu tháng 2, con số này là 1 triệu ca.

Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 8/3 ghi nhận 28.475 ca mắc mới, là ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca giảm xuống ở mức trên 20.000. Trước đó, Hong Kong ghi nhận trên 50.000 ca/ngày liên tiếp từ ngày 2 - 4/3.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ông Âu Gia Vinh, Trưởng khoa bệnh Truyền nhiễm thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Sở Y tế Hong Kong, do sự hợp tác của người dân và các biện pháp phòng chống dịch, số ca mắc mới đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn phải tiếp tục quan sát từ 1- 2 tuần để đánh giá xu hướng của dịch. Trong khi đó, ông Lương Vạn Niên, Trưởng nhóm chuyên gia về phản ứng với COVID-19 thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đang trực tiếp hỗ trợ Hong Kong,  cho biết nhiệm vụ cấp bách nhất của thành phố hiện nay là thực hiện “3 giảm”: giảm số ca mắc mới, giảm ca bệnh nặng, giảm trường hợp tử vong và “4 tập trung”: tập trung bệnh nhân, tập trung chuyên gia, tập trung nguồn lực và tập trung điều trị. Theo ông, tình hình dịch bệnh ở Hong Kong vẫn đang trong giai đoạn bùng phát cấp tính, sẽ còn nhiều người mắc bệnh và ca bệnh nặng, nguồn lực y tế sẽ cạn kiệt nghiêm trọng và huyết mạch của hoạt động đô thị sẽ bị đe dọa. Hong Kong đang đối mặt với nguy cơ không thể hoạt động bình thường.

Còn Indonesia đang chuẩn bị lộ trình từng bước chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu, tức là giai đoạn sống chung với COVID-19. Trong lộ trình chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu, Indonesia sẽ từng bước bình thường hóa các hoạt động cộng đồng thông qua các chính sách kiểm soát dịch bệnh, quy định tỷ lệ sử dụng giường bệnh và ngăn chặn các ca tử vong để đảm bảo tỷ lệ tử vong được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, để sẵn sàng cho giai đoạn bệnh đặc hữu, Indonesia cần cải thiện khả năng truy vết, vốn đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên trong việc thực hiện các quy tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và duy trì khoảng cách nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Malaysia, nước láng giềng của Indonesia, sẽ bắt đầu chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại biên giới nước này cho du khách quốc tế từ ngày 1/4 tới. Khi COVID-19 được coi là bệnh đặc hữu, những du khách đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần phải cách ly khi nhập cảnh vào Malaysia, mà thay vào đó, họ sẽ chỉ cần xét nghiệm trước khi khởi hành và khi đến Malaysia.
Malaysia cũng nới lỏng một số hạn chế, như cho phép các nhà hàng hoạt động qua 12h giờ đêm và dỡ bỏ giới hạn 50% sức chứa đối với các sự kiện tập trung đông người. Tuy nhiên, Malaysia vẫn áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng và sử dụng ứng dụng quản lý dịch COVID-19 theo như yêu cầu khi tới các tụ điểm tại nước này.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Mỹ, các chuyên gia y tế cảnh báo đại dịch COVID-19 khó có thể sớm bị loại bỏ, do đó người dân cần phải tiếp tục linh hoạt áp dụng đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách nếu số ca nhiễm tăng cao trong khu vực sinh sống của mình.

Lời cảnh báo trên được đưa ra dù số ca mắc mới COVID-19, nhập viện và tử vong đang có xu hướng giảm trên khắp nước Mỹ. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết khoảng 3% dân số Mỹ, tương đương khoảng 9 triệu người, bị suy giảm miễn dịch và dễ mắc bệnh nặng dù sống ở khu vực địa lý nào.

Chuyên gia dịch tễ học của bệnh viện NYC Health +, Syra Madad, khuyến cáo dù mức độ lây truyền trong cộng đồng thấp cũng không có nghĩa là nguy cơ bùng phát dịch bệnh bị loại bỏ hoàn toàn. Theo chuyên gia này, ở những khu vực được coi là có mức lây nhiễm cộng đồng  cao, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch đã được khuyến cáo. Ở những khu vực có cấp độ lây nhiễm thấp hoặc trung bình, đeo khẩu trang và thực hiện giữ khoảng là những cách giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân.

Theo MINH CHÂU (TTXVN)