Thế giới đã ghi nhận trên 517,8 triệu ca mắc COVID-19

11/05/2022 - 07:33

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 10/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 517.883.701 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.278.435 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 472.751.672 người.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, với 83.688.188 ca mắc và  1.024.752 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 43.107.689 ca mắc và 524.103 ca tử vong. Với 30.574.245 ca mắc và 664.248 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong.

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát dịch sau khi có thêm nhiều ca được ghi nhận. Cơ quan y tế Bắc Kinh cho biết kể từ ngày 12/5, người dân vào những nơi công cộng được yêu cầu cung cấp chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ. Bắt đầu từ 10/5, Bắc Kinh sẽ tiến hành xét nghiệm acid nucleic trên toàn thành phố chia theo quận và theo ngày.

Tính đến ngày 9/5, Bắc Kinh đã tổ chức 9 đợt xét nghiệm acid nucleic hàng loạt trên toàn khu vực. Trong khi các quận đang thực hiện những đợt xét nghiệm đại trà mới, toàn bộ các nhà hàng trên toàn thành phố tiếp tục tạm dừng các dịch vụ ăn uống tại chỗ, các buổi biểu diễn, địa điểm giải trí, phòng tập thể dục và quán cà phê Internet cũng tạm thời đóng cửa.

Một số trung tâm mua sắm và công viên đã thông báo ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, các trường tiểu học và trung học, mẫu giáo và trung học dạy nghề ở Bắc Kinh cũng tạm ngừng hoạt động và việc giảng dạy sẽ được thực hiện trực tuyến.

Tại Lào, Ủy ban quốc gia về Phòng chống COVID-19 của nước này đã khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới sau khi Lào mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài.

Theo ủy ban trên, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp trên thế giới, việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm và mở cửa du lịch trở lại có thể sẽ gây ra một làn sóng lây nhiễm mới. Để tránh nguy cơ, người dân cần tiếp tục duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang, tuân thủ các nguyên tắc giãn cách xã hội và thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh tay…

Ủy ban trên cũng khuyến cáo những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên đi tiêm. Đến nay đã có hơn 5,7 triệu người (78,88% dân số Lào) được tiêm mũi vaccine thứ nhất, và hơn 4,9 triệu người (67,57%) đã được tiêm mũi vaccine thứ 2, trong khi khoảng hơn 19,9% đã được tiêm mũi tăng cường.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, các địa phương ở Thái Lan đang lên kế hoạch hoạt động sau khi COVID-19 được hạ cấp xuống thành bệnh đặc hữu vì số lượng bệnh nhân COVID-19 cần máy thở và các ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước này đang giảm xuống. Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích người dân và các cơ quan chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa phổ quát và tiêm chủng càng nhiều càng tốt để COVID-19 có thể được công bố là bệnh đặc hữu.

Thái Lan đã ghi nhận thêm 6.230 ca mắc mới  - mức thấp nhất kể từ ngày 6/1 - cùng 53 ca tử vong - mức thấp nhất kể từ ngày 5/3 . Đến nay, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 4.337.568 ca mắc, trong đó có 29.196 ca tử vong. Tính đến ngày 8/5, Thái Lan đã tiêm được tổng cộng 134,73 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 56,4 triệu liều là mũi tiêm đầu tiên, 51,65 triệu liều là mũi thứ hai, 23,8 triệu liều là mũi thứ ba và 2,85 triệu liều là mũi thứ 4.

Theo MINH CHÂU (TTXVN)