Thế giới đã vượt 399 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

09/02/2022 - 08:19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 8-2, thế giới ghi nhận tổng cộng 399.076.482 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.771.888 ca tử vong. Tổng số ca bình phục đến nay là trên 318,8 triệu ca, trong khi vẫn còn 90.740 ca đang phải điều trị tích cực.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Thessaloniki, Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện có trên 137,26 triệu ca nhiễm, trong đó có trên 1,64 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai về số ca nhiễm với trên 105 triệu ca. 

Tại châu Âu, Hy Lạp đang trải qua làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron lây lan nhanh, khiến số ca mắc mới mỗi ngày tăng cao. Nhằm thúc đẩy việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, Chính phủ Hy Lạp ngày 7/2 thông báo giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 của 324.000 người dân sẽ chính thức hết hiệu lực cho tới khi họ tiêm mũi tăng cường. 

Trong khi đó, giới chức y tế Đức cho biết một số bang của nước này đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 dù số ca mắc mới gia tăng, do những lo ngại về nguy cơ biến thể Omicron gây áp lực lên hệ thống y tế đang giảm dần. Đức thông báo 95.267 ca nhiễm mới trong ngày 7/2, tăng 22% so với cách đây một tuần, song tỷ lệ nhập viện tính trên 100.000 dân trong 7 ngày gần nhất đã giảm xuống mức 5,4 - thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng qua.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Quezon City, Philippines, ngày 7/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đông Nam Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte một lần nữa kêu gọi người dân nước này đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong ngày 8/2, Philippines ghi nhận thêm 3.574 ca nhiễm mới COVID-19, số ca mắc mới theo ngày thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 3.619.633 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 83 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 54.621 người. 

Tại Indonesia, giới chức nước này cho biết chính phủ chưa “kéo phanh gấp” bằng cách áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp dù số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng vọt. Ông Abraham Wirotomo, một quan chức Văn phòng Phủ Tổng thống (KSP), cho rằng sự chuẩn bị của Chính phủ Indonesia để ứng phó với làn sóng lây lan dịch COVID-19 do biến thể Omicron tốt hơn trước đây. Xét thấy mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron nhẹ hơn so với biến thể Delta, chính phủ đã ưu tiên tự cách ly và cách ly tập trung đối với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, đồng thời dành giường bệnh để điều trị cho người già hoặc những người mắc bệnh nền. Tuy nhiên, ông Abraham khẳng định cấp độ áp dụng PPKM sẽ được điều chỉnh dựa vào đánh giá đối với từng khu vực.

Nước láng giềng Malaysia ngày 8/2 cũng thông báo có 13.944 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên gần 2,9 triệu ca, trong đó hơn 32.000 ca tử vong, nằm trong số các nước có tỉ lệ mắc và tử vong theo đầu người cao nhất tại châu Á. Đa số các ca mắc hiện nay tại Malaysia không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ do tỉ lệ tiêm vaccine cao. Trong bối cảnh làn sóng biến thể Omicron đang ảnh hưởng mạnh đến Malaysia, Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (MITI) nước này tái khẳng định chính phủ sẽ không đóng cửa hoàn toàn các lĩnh vực kinh tế và công nghiệp một lần nữa. Trong khi đó, Hội đồng Phục hồi Quốc gia (NRC) của Malaysia ngày 8/2 cho biết đã đề nghị mở cửa trở lại hoàn toàn các cửa khẩu biên giới quốc tế, sớm nhất là từ ngày 1/3 tới đây. Theo đó, người nhập cảnh không phải thực hiện bất kỳ quy định cách ly nào.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Nagoya, Nhật Bản, ngày 3/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh gây ra. Ngày 8/2, Nhật Bản thông báo ghi nhận 155 ca tử vong vì COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Nước này cũng có thêm trên 100.000 ca nhiễm mới, mức mà Nhật Bản đã ghi nhận vào ngày 5/2 vừa qua. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác của Nhật Bản, những khu vực hiện đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm vì COVID-19, đã yêu cầu chính phủ gia hạn các biện pháp hạn chế dự kiến hết hạn vào cuối tuần này, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ sẽ cân nhắc việc kéo dài các biện pháp hạn chế thêm 3 tuần kể từ cuối tuần này đối với 13 khu vực nói trên. 

Trong khi đó, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận 625 ca mắc COVID-19, trong đó đa số là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp đặc khu này ghi nhận trên 600 ca mắc mới trong 1 ngày. Trước diễn biến phức tạp trên, chính quyền đặc khu đã công bố biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, chính quyền đã khởi động kế hoạch “Stay home safe” (ở nhà an toàn), theo đó những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (F1) sẽ cách ly tại nhà 14 ngày trong khi người tiếp xúc với họ (F2) sẽ cách ly tại nhà 4 ngày và phải đeo vòng tay điện tử để theo dõi, tự xét nghiệm bằng các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 7/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Đại Dương, số ca nhập viện và phải điều trị tích cực do mắc COVID-19 ở Australia tiếp tục giảm trong ngày 8/2 trong bối cảnh nhà chức trách hối thúc người dân nước này tiêm mũi vaccine tăng cường. Do sự lây lan của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, tổng số ca mắc COVID-19 ở Australia hiện đã ở mức gần 2,4 triệu người, chiếm gần 10% dân số cả nước, trong đó có khoảng 2,2 triệu ca mắc chỉ trong vòng 2 tháng qua. Việc biến thể Omicron ít gây chết người hơn so với các biến thể trước đó của virus này và tiến độ thực hiện chương trình tiêm vaccine tăng cường đã mang lại sự lạc quan cho người dân với niềm tin rằng đợt bùng phát dịch bệnh mạnh nhất ở Australia có thể đã đạt đỉnh.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cùng ngày cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ không chấm dứt với biến thể Omicron và trong năm nay, nước này phải chuẩn bị ứng phó với nhiều biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Tuần trước, Chính phủ New Zealand cho biết từ nay đến tháng 10 tới, nước này sẽ mở cửa lại biên giới theo từng giai đoạn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh thực tế. Hiện số ca nhiễm mới biến thể Omicron đang tăng mạnh sau khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng gần đây. Thủ tướng Ardern dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron có thể lên tới đỉnh điểm vào tháng 3 tới, trong khoảng 10.000 - 30.000 ca/ngày. 

Tại Trung Đông, giới chức Israel thông báo khoảng 700 ca nhiễm dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình" đã được ghi nhận ở nước này tính đến nay, tăng gấp đôi so với con số 350 ca công bố ngày 31/1. Tuy nhiên, ông nhận định các bệnh viện của nước này không có nguy cơ bị quá tải.

Theo PHƯƠNG OANH (TTXVN)