Thế giới ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ

02/04/2022 - 08:13

Tính đến sáng ngày 2/4/2022 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 489.504.447 ca nhiễm COVID-19, trong đó 6.169.854 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.207.672 ca nhiễm mới và 3.182 ca tử vong vì dịch bệnh.

Hàn Quốc hiện vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất châu Á. (Ảnh: Reuters)

Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 179.536.530 ca nhiễm, trong đó có 1.773.759 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 139.915.478 ca nhiễm và 1.403.044 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 96.602.499 ca nhiễm và 1.442.946 ca tử vong; Nam Mỹ có 56.164.204 ca nhiễm và 1.288.314 ca tử vong; châu Phi có 11.760.893 ca nhiễm bệnh và 252.853 ca tử vong. Châu Đại Dương ghi nhận 5.524.122 ca lây nhiễm và 8.923 ca tử vong.

Hết ngày 1/4, châu Âu ghi nhận 660.881 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 1.686 ca tử vong vì dịch bệnh. Pháp, Đức, Anh là các quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19. Hiện Pháp ghi nhận 25.763.472 ca nhiễm bệnh và 142.407 ca tử vong; . Đức ghi nhận 21.459.975 ca lây nhiễm, trong đó 130.342 ca tử vong vì COVID-19; Anh có 21.216.874 ca nhiễm và 165.570 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận thêm 407.140 ca mắc mới và 991 trường hợp tử vong mới vì đại dịch. Trong ngày qua, Hàn Quốc vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất châu Á. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 280.187 ca nhiễm, trong đó 360 ca tử vong.

Sau khi nhận định làn sóng gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc đã đạt đỉnh vào giữa tháng 3 vừa qua, chính phủ nước này quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 trong 2 tuần (tới ngày 17/4). Cụ thể, số người tối đa được phép có mặt cùng lúc tại các hoạt động cá nhân sẽ được nâng từ 8 lên 10 người, trong khi thời gian làm việc sẽ kéo dài thêm một giờ. Các nhà hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao trong nhà và quán karaoke, cũng như các câu lạc bộ đêm sẽ được phép mở cửa đến nửa đêm. Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, mục đích của việc điều chỉnh quy định giãn cách xã hội là nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các tiểu thương và đáp ứng mong đợi của người dân.

Tại Ấn Độ, các trường học tại vùng thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã nối lại hoàn toàn hoạt động dạy và học trực tiếp sau hơn hai năm chuyến sang hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên 100% lớp học trực tiếp được mở lại kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Ấn Độ. Các trường học ở New Delhi lần đầu tiên phải đóng cửa từ tháng 3/2020. Tiếp đó, tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước cũng tạm ngừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Trong hai năm qua,  nhiều trường đã duy trì song song cả hai hình thức học và dạy.

Ngày 1/4, Nhật Bản đã hạ thấp cảnh báo đi lại tới 106 quốc gia bao gồm Mỹ và Ấn Độ liên quan tới đại dịch COVID-19, không còn khuyến cáo công dân Nhật Bản không nên đi du lịch đến các nước này. Theo đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã hạ mức cảnh báo đi lại tới các quốc gia này, trong đó có Anh, Pháp và Đức từ cấp độ 3, mức cao thứ hai trên thang 4 điểm xuống cấp độ 2. Trong khi đó, 56 quốc gia và khu vực vẫn nằm trong diện cảnh báo cấp độ 3, bao gồm 40 quốc gia ở Trung Đông và châu Phi, 10 quốc gia ở châu Âu và 6 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh.

Phát biểu họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói rõ mặc dù tình hình dịch bệnh khác nhau ở các quốc gia và khu vực, song số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đang có xu hướng giảm trên toàn cầu và nguy cơ tử vong và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng đã được giảm bớt nhờ tiến bộ trong tiêm chủng. Ông Hayashi cũng lấy dẫn chứng việc nới lỏng dần các hạn chế đối với các hoạt động kinh tế và đi du lịch nước ngoài ở nhiều nước.

Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có thêm 22.876 ca nhiễm COVID-19 mới và 209 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Costa Rica, Guatemala, Panama…

Tại Nam Mỹ, các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 29.975.165 ca nhiễm, trong đó 660.002 ca tử vong vì COVID-19.

Tại châu Phi, Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.720.645 ca nhiễm COVID-19, trong đó 100.042 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm Morocco, Tunisia, Libya, Ai Cập, Ethiopia...

Châu Đại dương ghi nhận có thêm 78.900 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 31 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Australia, New Zealand và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo ĐẢNG CỘNG SẢN