Thế giới ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 theo tuần giảm 15%

21/05/2021 - 14:28

Theo số liệu của Worldometers đến 8 giờ 15 phút sáng 21-5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 165.833.279 ca mắc và 3.444.270 ca tử vong do Covid-19. Trong bảy ngày qua, tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới giảm 15% so với bảy ngày trước đó.

Ảnh minh họa: Người dân đeo khẩu trang đi bộ qua các cửa hàng đóng cửa tại Rome, Italy, ngày 30-3-2021, khi các lệnh hạn chế do Covid-19 ở vùng Lazio được nới lỏng. (Ảnh: Reuters)

Trong một ngày qua, thế giới ghi nhận thêm 645.582 ca mắc và 12.882 ca tử vong do Covid-19.

Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu thế giới về số ca mắc và tử vong do Covid-19 theo ngày, với thêm 259.269 ca mắc và 4.209 ca tử vong do Covid-19. Trong bảy ngày gần đây, nước này có tới năm ngày ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mức hơn 4.000 ca.

Theo sau Ấn Độ về số ca mắc và tử vong do Covid-19 theo ngày là: Brazil với thêm 83.367 ca mắc và 2.527 ca tử vong, Mỹ với thêm 30.214 ca mắc và 659 ca tử vong, Argentina với thêm 35.884 ca mắc và 434 ca tử vong.

Trong bảy ngày qua, tổng số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới đều giảm. Trong đó, tổng số ca mắc giảm 15%, tổng số ca tử vong giảm 3%.

Hai quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc là Mỹ và Ấn Độ đều giảm lần lượt là 20% và 21%. Tuy nhiên, Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca mắc ghi nhận tổng số ca mắc tăng 7% trong bảy ngày qua. Nhiều quốc gia châu Âu cũng ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 giảm ở mức hai con số trong bảy ngày qua.

Tại châu Á, Bộ Y tế Lào thông báo ghi nhận 14 ca mắc mới ở nước này trong ngày 20-5. Đây là số ca mắc mới theo ngày được ghi nhận thấp nhất tại Lào trong gần 30 ngày qua, cho thấy tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Lào tiếp tục có chiều hướng tốt hơn. Chính phủ Lào thông báo gia hạn áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc đến hết ngày 4-6. Đây là lần thứ hai Lào gia hạn phong tỏa nhằm ứng phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại nước này. 

Chính quyền Thủ đô Phnom Penh của Campuchia cũng đã quyết định gia hạn giới nghiêm trong thành phố thêm một tuần, từ ngày 20 đến 27-5, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch.

Indonesia, Philippines, Malaysia tiếp tục là các quốc gia ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á, với số ca mắc mới trong ngày 20-5 là: Indonesia (5.797 ca), Philippines (6.100 ca), Malaysia (6.806 ca).

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hội đồng thẩm định Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã phê chuẩn việc sử dụng hai loại vaccine phòng Covid-19 của Moderna và AstraZeneca. Dự kiến trong ngày 21-5, Bộ này sẽ chính thức công bố quyết định và tổ chức cuộc họp của hội đồng khoa học để thảo luận về đối tượng và cách thức sử dụng.

Ngày 20-5, phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 là không đủ và cần phải có cách tiếp cận toàn diện mới có thể giải quyết vấn đề mất cân bằng "không thể chấp nhận được" trong việc tiếp cận các vaccine phòng Covid-19. Bà lưu ý vấn đề này sẽ không thể kéo dài trong nhiều năm.

Cũng theo bà Okonjo-Iweala, các nước đang phát triển đã phàn nàn quy trình cấp phép quá rườm rà và cần được cải thiện. Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ và bí quyết bào chế vaccine bởi những chế phẩm này thường khó sản xuất hơn thuốc men.

Cùng ngày, Nghị viện châu Âu (EP) đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19, bước đi được đánh giá là yếu tố cốt lõi trong việc đẩy nhanh quá trình triển khai ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Các nghị sĩ châu Âu đã nhất trí về một đạo luật sửa đổi kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) ủng hộ sáng kiến của Ấn Độ và Nam Phi đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc "tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, thiết bị và phương pháp điều trị Covid-19, đồng thời kêu gọi các công ty dược phẩm chia sẻ hiểu biết và dữ liệu của họ”.

Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) ngày 20-5 cũng đã đạt được thỏa thuận về chứng chỉ xanh kỹ thuật số châu Âu.

Nội dung thỏa thuận quy định các quốc gia thành viên "không áp đặt các hạn chế đi lại bổ sung" như bắt buộc xét nghiệm hoặc cách ly đối với người nhập cảnh, trừ những trường hợp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo kế hoạch, chứng chỉ xanh kỹ thuật số sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU dự kiến diễn trong ngày 24 và 25-5 tại Brussels, thỏa thuận này cần được EP thông qua tại cuộc họp toàn thể tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 7 đến ngày 10-6 tại Strasbourg, trước khi có hiệu lực vào ngày 1-7.

Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 8 giờ 15 phút, sáng 21-5 (giờ Việt Nam).

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

Mỹ: 33.833.181 ca mắc, 602.616 ca tử vong
Ấn Độ: 26.030.674 ca mắc, 291.365 ca tử vong
Brazil: 15.898.558 ca mắc, 444.391 ca tử vong
Pháp: 5.568.551 ca mắc, 108.314 ca tử vong
Thổ Nhĩ Kỳ: 5.160.423 ca mắc, 45.626 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á:

Indonesia: 1.758.898 ca mắc, 48.887 ca tử vong
Philippines: 1.165.155 ca mắc, 19.641 ca tử vong
Malaysia: 492.302 ca mắc, 2.099 ca tử vong
Myanmar: 143.183 ca mắc, 3.216 ca tử vong
Thái Lan: 119.585 ca mắc, 703 ca tử vong
Singapore: 61.730 ca mắc, 32 ca tử vong
Campuchia: 23.697 ca mắc, 164 ca tử vong
Timor-Leste: 5.121 ca mắc, 11 ca tử vong
Việt Nam: 4.809 ca mắc, 39 ca tử vong
Lào: 1.751 ca mắc, 02 ca tử vong
Brunei: 235 ca mắc, 03 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

Châu Á: 48.249.000 ca mắc, 631.579 ca tử vong
Châu Âu: 46.023.289 ca mắc, 1.056.940 ca tử vong
Bắc Mỹ: 39.379.527 ca mắc, 882.319 tử vong
Nam Mỹ: 27.341.721 ca mắc, 744.212 ca tử vong
Châu Phi: 4.771.825 ca mắc, 127.962 ca tử vong
Châu Đại Dương: 67.196 ca mắc, 1.243 ca tử vong

Theo B.M (Nhân Dân)