Thế giới ghi nhận tổng cộng trên 373 triệu ca COVID-19

31/01/2022 - 08:11

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 30-1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 373.666.199 ca COVID-19 trong đó có 5.677.638 người tử vong. Hơn 295 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 72,95 triệu người chưa khỏi.

Học sinh trở lại trường học tại Sydney, Australia, ngày 18/10/2021. Ảnh (tư liệu): THX/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 trong ngày 30/1 ghi nhận cả những tín hiệu khả quan và những thông tin đáng quan ngại. Theo chiều hướng tích cực, tại Australia, hàng nghìn học sinh sẽ trở lại trường học sau kỳ nghỉ Hè trong bối cảnh nước này vẫn quan ngại về sự lây lan của dịch bệnh. Dù một số trường học tại Australia đã mở cửa trở lại vào tuần trước, nhưng hầu hết các trường học sẽ đón học sinh đến lớp vào ngày 31/1. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, học sinh được yêu cầu xét nghiệm 2 lần 1 tuần. 

Do sự lây lan mạnh biến thể Omicron, số ca mắc COVID-19 tại Australia đã tăng vọt kể từ tháng 12/2021, thời điểm bắt đầu mùa Hè ở Nam Bán cầu. Đến nay, Australia, đất nước gồm 25 triệu dân, đã ghi nhận tổng cộng khoảng 2 triệu ca nhiễm, tăng mạnh từ mức 400.000 ca ghi nhận vào tháng 12/2021. Australia đã tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 93% người trưởng thành, trong đó gần 8 triệu người đã tiêm hơn 2 liều. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm nhanh chóng và ổn định trong hai tuần qua  khi số ca mắc đã giảm xuống dưới 40.000 vào ngày 28/1, trong khi tỷ lệ nhập viện cũng đã ổn định. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế Australia đưa ra đánh giá rằng làn sóng dịch ở đây đã đạt đỉnh và dự báo người dân nước này bắt đầu hành trình "sống chung với virus SARS-CoV-2".

Tương tự, Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 30/1 cho biết nước đang bắt đầu nhìn thấy điểm kết thúc của làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra. Với thái độ lạc quan thận trọng, ông cảnh báo hiện tại Israel vẫn phải đối mặt với tình trạng quá tải trong các bệnh viện và số ca nhiễm là vô cùng lớn. Trước đó, ngày 29/1, Bộ Y tế Israel cho biết hệ số lây nhiễm virus (hệ số R) đã giảm xuống dưới ngưỡng 1 trong nhiều tháng. Hệ số R trong ngày 30/1 giảm xuống còn 0,95 so với mức 2,12 hồi giữa tháng 1. Đến nay, Israel có tổng cộng 2.759.031 ca nhiễm, trong đó có 8.658 ca tử vong. Số bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng tăng 1.010 ca trong ngày 30/1 lên 1.069, mức cao nhất kể tháng 2/2021.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn tại Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục trong ngày 29/1 đã ghi nhận 54 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, tăng 17 ca so với ngày trước đó. Trong số các ca mắc mới, thủ đô Bắc Kinh ghi nhận nhiều nhất với 20 ca (mức cao nhất kể từ tháng 7/2020) trong bối cảnh thành phố chuẩn bị tổ chức Olympic mùa Đông 2022 từ ngày 4/2 tới. Tính đến ngày 29/1, Trung Quốc đại lục phát hiện tổng cộng 106.015 ca mắc, trong đó số ca tử vong giữ nguyên ở mức 4.636 ca. Theo NHC, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây sức ép cho công tác chống dịch trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán. Cơ quan này đã đề nghị các chính quyền địa phương ban hành hướng dẫn cho các trung tâm y tế cơ sở các cấp tăng cường quản lý, báo cáo càng sớm càng tốt các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 và thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong bệnh viện.

Tương tự, tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 5 vì dịch khi số ca nhiễm mới vẫn ở trên ngưỡng 80.000 ca/ngày, các chính quyền địa phương đề nghị được phép đóng cửa trường học. Ngày 30/1, bà Sanae Takaichi, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cho biết có khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19. Bà Takaichi cho rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế”, nhưng bảo vệ cuộc sống của người dân vẫn là “ưu tiên hàng đầu”.

Ngày 29/1, Nhật Bản ghi nhận thêm 84.937 ca nhiễm và 39 ca tử vong vì dịch COVID-19. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này ở trên ngưỡng 80.000 ca/ngày. Số bệnh nhân COVID-19 nặng cũng tăng thêm 37 ca lên 734 người. Trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, có tới 16 địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó Hokkaido có 3.002 ca, Kanagawa 8.699 ca, Aichi 5.613 ca, Osaka 10.383 ca và Fukuoka 4.949 ca. Với 17.433 ca, tăng 6.206 ca so với một tuần trước đó, Thủ đô Tokyo vẫn là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở thành phố này ở trên ngưỡng 10.000 ca/ngày. Trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan rất nhanh, đặc biệt là trong trường học, Hội Thống đốc Quốc gia (NGA) đã kêu gọi chính quyền trung ương cho phép thống đốc các tỉnh, thành đóng cửa các cơ sở giáo dục nơi dịch COVID-19 đang lây lan.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Johnson & Johnson cho người dân tại Gruenau, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Đức, Viện Robert Koch thông báo trong 24 giờ qua nước này có thêm 118.970 ca mắc mới và 59 ca tử vong vì dịch bệnh. Như vậy, đến nay Đức ghi nhận tổng cộng 9.737.215 ca mắc COVID-19 và 117.725 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết bộ này đã chuẩn bị cho tình huống số ca nhiễm mới tăng cao hơn và những con số thực tế hiện nay đều thấp hơn dự báo. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ là sai lầm nếu dỡ bỏ các lệnh hạn chế vào lúc này, thay vào đó nên thực hiện kế hoạch này trong nửa cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 nếu làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron vẫn còn trong tầm kiểm soát. 

Về tình hình tiêm phòng COVID-19, tiếp tục có thêm các nước triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi. Cụ thể, Anh dự định triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em có nguy cơ cao từ 5-11 tuổi trong tuần này. Anh tiến hành tiêm chủng cho nhóm trẻ em trên chậm hơn so với các quốc gia khác, và chưa có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm trong nhóm này như nhiều nước đang triển khai, trong đó có Mỹ và Israel.

Cơ quan y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết những trẻ em từ 5-11 tuổi có nguy cơ lâm sàng hoặc những trẻ sống cùng những người bị suy giảm miễn dịch có thể tiêm mũi đầu tiên. Hướng dẫn này cũng phù hợp với khuyến nghị mà Ủy ban hỗn hợp về vaccine và tiêm chủng của Anh (JCVI) đưa ra hồi tháng 12/2021. Dự kiến, trẻ em ở nhóm trên sẽ được tiêm 2 mũi với liều lượng 10 microgram/liều - bằng 1/3 liều của người lớn. Vaccine sử dụng cho nhóm đối tượng này là của hãng Pfizer/BioNTech.

Tương tự, Kuwait sẽ bắt đầu tiêm phòng cho trẻ từ 5-11 tuổi từ tuần này, với ưu tiên cho nhóm trẻ có nguy cơ cao. Bộ Y tế Kuwait cho biết chiến dịch tiêm phòng cho trẻ từ 5-11 tuổi được triển khai dựa trên những kết luận nghiên cứu của các tổ chức và cơ quan quốc tế. Bộ Y tế Kuwait mong muốn không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để bảo vệ trẻ em, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho nhóm tuổi cần được bảo vệ này.

Theo LÊ ÁNH (TTXVN)