Thế giới hơn 290 nghìn ca tử vong, các cường quốc điêu đứng vì Covid-19

13/05/2020 - 07:47

Dịch Covid-19 tiếp tục càn quét khắp thế giới, khiến số ca tử vong vì virus corona chủng mới hiện vượt mốc 290.000 người và làm các cường quốc như Mỹ, Nga và Italia điêu đứng.

Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 13-5 (theo giờ Việt Nam), virus corona chủng mới đã tấn công 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 4,3 triệu người và khiến ít nhất 291.911 trường hợp trong số đó thiệt mạng. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến hơn 1/3 số bệnh nhân Covid-19 (gần 1,6 triệu người) được chữa khỏi.

Trong khi chính phủ nhiều nước đang nới lỏng hoặc cho dỡ bỏ dần các biện pháp giới hạn nhằm dập dịch, các chuyên gia y tế đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về việc tái mở cửa các nền kinh tế quá nhanh.

Mọi người đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách cộng đồng khi đi trên thang máy tại một ga tàu điện ngầm ở thủ đô Moscow, Nga hôm 12-5. Ảnh: AP

Nga nhận tin buồn vì Covid-19

Nga đã trở thành vùng dịch lớn thứ 3 trên thế giới với ít nhất 232.243 ca dương tính với virus corona chủng mới và 2.116 người trong số đó tử vong. Ngày 12-5 là ngày thứ 10 liên tiếp xứ sở bạch dương ghi nhận thêm hơn 10.000 ca nhiễm mới Covid-19.

Giữa lúc Nga đang vật lộn kiểm soát dịch bệnh, Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin xác nhận ông đã nhiễm Covid-19 và hiện phải nằm viện điều trị. Theo Sputnik, ông Peskov là quan chức cấp cao Nga mới nhất có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Trước đó, Thủ tướng Mikhail Mishustin, Phó Thủ tướng Dmitry Volkov, Bộ trưởng Xây dựng, nhà ở và tiện ích công cộng Vladimir Yakushev và Bộ trưởng Văn hóa Olga Lyubimova đều được chẩn đoán đã nhiễm mầm bệnh nguy hiểm.

Thông tin về việc ông Peskov mắc bệnh được công bố chỉ một ngày sau khi Tổng thống Putin thông báo Nga sẽ nới lỏng một số biện pháp phong tỏa toàn quốc nhằm làm chậm lại sự lây lan của virus corona chủng mới.

Hàng nghìn người Mỹ nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 với tổng số ca nhiễm (1.406.797 người) và tổng số ca tử vong (83.284 người) đều cao nhất thế giới, tính đến hết ngày 12-5. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 21.000 ca nhiễm mới Covid-19 và 1.489 bệnh nhân thiệt mạng, mức tăng cao nhất xét trên toàn cầu.

Theo AP, khi các bang của Mỹ bắt đầu dỡ bỏ lệnh yêu cầu người dân ở nhà và cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt đông, hàng ngàn người lao động đã bị nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc. Các dữ liệu gần đây hé lộ, số ca mắc virus corona chủng mới trong các nhà máy chế biến gia cầm và đóng gói thịt, công trường xây dựng ở bang Texas đang tăng mạnh.

Số nhân viên y tế có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính cũng tiếp tục tăng. Chỉ tính riêng tại bang California, gần đây đã có tới 200 y tá trong một ngày được chẩn đoán nhiễm virus. Tính trên toàn nước Mỹ, tổng cộng đã có 230 y, bác sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trong cuộc điều trần trước Thượng viện hôm 12-5, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ cảnh báo "các hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng" nếu các bang và thành phố vội vã tái mở nền kinh tế quá nhanh mà không tuân theo hướng dẫn của chính quyền trung ương.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Italia tăng trở lại

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh thêm 1.033 trường hợp ở tâm dịch Lombardy đã góp phần tạo ra mức tăng cao nhất trong ngày ở Italia trong nhiều ngày trở lại đây. Tính đến sáng 13-5 đã có hơn 221.000 người ở quốc gia châu Âu này dương tính với virus corona chủng mới và gần 31.000 ca trong số đó đã tử vong.

Theo các chuyên gia, số ca mắc Covid-19 thực tế ở Italia chắc chắn cao hơn dữ liệu chính thức vì nhiều người có triệu chứng nhẹ thường không làm xét nghiệm. Các quan chức y tế đang nóng lòng chờ nhận báo cáo tổng hợp số liệu thống kê tình hình dịch hàng ngày vào cuối tuần để xác định xem liệu việc dỡ bỏ một phần các biện pháp phong tỏa toàn quốc hôm 4-5 có làm tăng tỉ lệ lây nhiễm virus tại nước này hay không.

Các tin đáng chú ý khác về dịch Covid-19:

- Phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang giữ khoảng cách an toàn với Tổng thống Donald Trump sau khi thư ký báo chí của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới.

- Một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra hôm 12-5 ở bệnh viện St. George, nơi đang điều trị cho những người nhiễm Covid-19 tại thành phố St. Petersburg, Nga đã khiến 5 bệnh nhân đang nằm trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) thiệt mạng và buộc 150 người khác phải sơ tán. Theo kết quả điều tra sơ bộ, lửa có thể bắt nguồn từ chập điện hoặc lỗi của hệ thống máy thở trong phòng ICU.

- Tại một cuộc họp báo mới diễn ra ở Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, nước này đang xem xét tăng cường các biện pháp giám sát ở khu vực biên giới với Mỹ nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19 khi các bang thuộc nước láng giềng bắt đầu nới lỏng phong tỏa dập dịch. Hai nước đã nhất trí tạm thời đóng cửa biên giới đối với các hoạt động đi lại không cần thiết từ tháng Ba và thỏa thuận song phương này dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 21-5 tới đây.

- Chính phủ Lebanon quyết định sẽ áp dụng biện pháp "phong tỏa hoàn toàn" trên toàn quốc trong 4 ngày, kể từ 19h tối ngày 13-5 đến 5h sáng 18-5 để làm chậm lại sự lây lan của virus corona chủng mới. Động thái diễn ra khi nước này chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng trở lại sau khi nhà chức trách cho nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm dập dịch. Lebanon hiện ghi nhận 870 ca mắc Covid-19 với 26 bệnh nhân đã thiệt mạng.

- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, một số phương pháp điều trị dường như đang làm giảm mức độ nghiêm trọng hoặc thời gian tấn công bệnh nhân của virus corona chủng mới. Theo phát ngôn viên Margaret Harris, WHO đang tập trung nghiên cứu thêm 4 - 5 phương pháp điều trị hứa hẹn nhất trong số này.

Theo TUẤN ANH (Vietnamnet)