Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil ngày 3-8. Ảnh: THX/TTXVN
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 269.000 ca mắc COVID-19 mới và trên 5.500 ca tử vong, chủ yếu tập trung ở Ấn Độ, Mỹ và Brazil.
Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 84.156 ca, cao nhất từ trước tới nay. Con số này còn cao hơn tổng số ca mắc trong 24 giờ qua của cả Mỹ (trên 40.000) và Brazil (trên 40.000 ca) cộng lại.
Ấn Độ cũng là quốc gia có nhiều người tử vong nhất trong 24 giờ qua với 1.083 ca. Trong khi đó, Mỹ có thêm 994 ca tử vong và Brazil có thêm 752 ca tử vong.
Tới nay, Mỹ ghi nhận tổng cộng trên 6,3 triệu ca bệnh và đứng đầu thế giới. Tiếp đó là Brazil với trên 4 triệu ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ ba về tổng số ca bệnh (trên 3,9 triệu ca) nhưng sắp thế chỗ điểm nóng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới của Brazil.
Châu Á
Trong 24 giờ qua, với 84.156 ca mắc COVID-19 mới, Ấn Độ hiện ghi nhận trên 3,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 68.500 ca tử vong.
Chỉ trong tháng 8 vừa qua, Ấn Độ có thêm gần 2 triệu ca mắc COVID-19, cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Kể từ ngày 30-7, Ấn Độ ghi nhận ít nhất 50.000 ca/ngày. Con số này đã tăng lên hơn 78.000 ca/ngày trong hai ngày cuối của tháng 8. Các chuyên gia y tế nhận định đỉnh dịch COVID-19 tại Ấn Độ vẫn còn xa.
Trong khi đó, Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) cho hay nước này đã tiến hành hơn 1 triệu lượt xét nghiệm COVID-19 trong ngày thứ 3 liên tiếp, với 1,17 triệu lượt vào ngày 2-9. Tổng số lượt xét nghiệm hiện đã lên đến 45,5 triệu. Tỷ lệ tử vong của Ấn Độ hiện ở mức 1,76%, thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Kể từ ngày 1-9, Ấn Độ bước vào giai đoạn 4 nới lỏng phong tỏa. Theo đó, các trường học vẫn sẽ đóng cửa trong cả tháng 9. Dịch vụ đường sắt được phép từng bước nối lại hoạt động từ ngày 7-9, trong khi các sự kiện công cộng bị giới hạn tối đa 100 người tham gia kể từ ngày 21-9.
Các trường đại học ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã náo nhiệt trở lại khi các sinh viên từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước quay trở lại học tập.
Đầu năm nay, có tới hơn 1 triệu sinh viên tại Vũ Hán đã phải ở nhà, học trực tuyến khi các toàn bộ các trường đều đóng cửa vì dịch bệnh.
Trong khi đó, học sinh các cấp học khác cũng đã quay trở lại trường. Để bảo đảm an toàn, chính quyền địa phương khuyến cáo các bậc cha mẹ và sinh viên tránh sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Trước khi trở lại trường, toàn bộ sinh viên đều phải xét nghiệm, trong khi các sinh viên quốc tế phải cách ly 14 ngày. Kể từ giữa tháng 5 đến nay, Vũ Hán chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào.
Trung Quốc ghi nhận 11 ca nhiễm mới COVID-19, tăng 8 trường hợp so với ngày trước đó. Trong thông báo ngày 3-9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết tất cả các trường hợp nhiễm mới đều là các ca "nhập khẩu" và có liên quan tới du khách từ nước ngoài, đánh dấu ngày thứ 18 liên tiếp không có ca nhiễm nội địa.
Bangladesh ghi nhận 2.158 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 319.686 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 32 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 4.383 ca.
Bộ Y tế Iran ngày 3-9 thông báo ghi nhận 1.994 ca mắc, nâng tổng số ca nhiễm lên 380.746 ca kể từ khi dịch bùng phát tại nước này hồi tháng 2. Dịch bệnh cũng đã cướp đi sinh mạng của 21.926 người tại Iran, tăng 129 ca trong 24 giờ qua.
Trong ngày 3-9, Indonesia thông báo ghi nhận 3.622 ca mắc COVID-19 và 134 ca tử vong. Đây là ngày có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ ngày 22-7. Như vậy, tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia là 184.268 ca, trong đó có 7.750 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 1.987 ca mắc COVID-19 và 65 ca tử vong. Đây là mức thấp nhất trong 5 tuần qua. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines là 228,403 ca, trong đó có 3.688 ca tử vong.
Sau hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, ngày 3-9, Thái Lan đã ghi nhận ca mắc đầu tiên là một người đàn ông vừa bị tống giam tại nhà tù ở thủ đô Bangkok.
Trong một tuyên bố, Bộ Cải huấn Thái Lan cho biết người đàn ông trên, 37 tuổi, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đợt xét nghiệm hằng tuần. Người này từng làm DJ tại một câu lạc bộ giải trí ban đêm và trước đó không đi nước ngoài hay có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện người này nhập viện điều trị, trong khi các tù nhân từng tiếp xúc với anh ta đã được cách ly.
Đây là ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng tại Thái Lan kể từ ngày 26-5 vừa qua. Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 tại Thái Lan được ghi nhận trong 3 tháng qua đều là các ca "nhập khẩu" và được phát hiện trong quá trình cách ly.
Trong khi đó, nhà chức trách Singapore vừa phát hiện các ổ dịch COVID-19 mới tại khu nhà tập thể dành cho lao động nhập cư nước ngoài.
Phần lớn 57.000 ca nhiễm của Singapore đến từ các khu nhà tập thể - nơi sinh sống của trên 300.000 người lao động, chủ yếu gốc Nam Á làm việc trong các lĩnh vực như xây dựng và đóng tàu. Tháng trước, giới chức Singapore thông báo toàn bộ lao động mắc bệnh sống tại các khu nhà này đã hoàn toàn bình phục hoặc đã có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, trong một thông báo đưa ra ngày 3-9, Bộ Y tế Singapore cho biết các ổ dịch mới đã được phát hiện tại ít nhất 3 khu nhà tập thể cho người lao động nhập cư, với 43 ca nhiễm mới. Bên cạnh xét nghiệm dịch hầu họng, lực lượng chức năng Singapore còn đang tiến hành xét nghiệm huyết thanh đối với những người sinh sống tại các khu nhà tập thể này.
Châu Mỹ: Bang New York của Mỹ tiếp tục nới lỏng biện pháp
Các phòng tập tại thành phố New York đã bắt đầu mở cửa trở lại, với việc đảm bảo các quy định an toàn. Các phòng tập này chỉ được hoạt động với 30% công suất, trong khi các thành viên phải đeo khẩu trang và giãn cách 2m. Các bể bơi sẽ vẫn đóng cửa và các thành viên phải tập ngoài trời, thay vì trong phòng kín.
Những phòng tập khác tại bang New York đã mở lại với công suất hạn chế vào ngày 24-8 vừa qua, trong khi giới chức thành phố New York quyết định lùi thời điểm mở lại đến ngày 2-9.
Việc ăn uống bên trong các nhà hàng sẽ vẫn bị cấm. Thực khách chỉ được phép ăn ngoài trời và phải có hàng rào ngăn cách.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã hối thúc các bang nước này sẵn sàng phân phối vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 1-11 tới, chỉ hai ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.
Công ty McKesson Corp có trụ sở tại Dallas đã đạt được thỏa thuận với chính phủ liên bang và sẽ xin cấp giấy phép để thiết lập các trung tâm phân phối khi có vaccine. Trong thư gửi thống đốc và cơ quan y tế các bang ngày 27-8 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nhấn mạnh thời gian cần thiết để xin được giấy phép là cản trở lớn đối với thành công của chương trình y tế công khẩn cấp này. Do đó, CDC khẩn thiết đề nghị các bang hỗ trợ giải quyết các đơn xin lập cơ sở phân phối. Giám đốc Redfield đề nghị các bang bỏ các quy định cản trở những trung tâm này đi vào hoạt động đầy đủ từ ngày 1/11 tới.
Tờ New York Times cho biết các nhân viên làm việc trong lĩnh vực thiết yếu, quan chức an ninh quốc gia, những người lớn tuổi, thành viên của các nhóm sắc tộc dễ bị tổn thương sẽ được ưu tiên tiêm trước.
Australia gia hạn lệnh cấm đi ra nước ngoài
Chính phủ Australia ngày 3-9 đã quyết định gia hạn lệnh cấm đi ra nước ngoài và du thuyền quốc tế cập cảng nước này đến giữa tháng 12 tới do lo ngại về những rủi ro mà dịch bệnh COVID-19 ở trong nước và nước ngoài gây ra.
Bộ trưởng Y tế Greg Hunt thông báo thời hạn tình trạng khẩn cấp về an toàn sinh học cho con người áp dụng theo Đạo luật An ninh sinh học 2015 sẽ được kéo dài đến ngày 17-12 tới. Tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp trên cho phép chính phủ liên bang có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của bệnh COVID-19 ở trong nước, ví dụ như hạn chế việc du thuyền quốc tế cập cảng nội địa, bảo vệ việc cung cấp và bán một số mặt hàng thiết yếu, cũng như hạn chế các chuyến đi ra nước ngoài.
Chính phủ Australia đã áp dụng lệnh cấm đi ra nước ngoài từ ngày 18-3, trừ các trường hợp được cấp phép miễn trừ.
Thủ tướng Scott Morrison cùng ngày đã kêu gọi lãnh đạo các bang và vùng lãnh thổ lên kế hoạch mở cửa trở lại biên giới bang vào dịp lễ Giáng sinh để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân và quá trình hồi phục nền kinh tế đất nước.
Về tình hình dịch bệnh, bang Victoria ngày 3-9 ghi nhận 113 ca nhiễm và 15 ca tử vong, sau khi tổng số ca nhiễm mới theo ngày giảm xuống mức 2 con số trong vài ngày qua. Thủ hiến bang Victoria, Daniel Andrews cảnh báo số ca nhiễm mới sẽ tăng vọt nếu chính quyền bang nới lỏng các lệnh phỏng tỏa quá sớm.
Châu Âu: EU khuyến cáo không rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày
Chính phủ các nước không nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày phòng ngừa COVID-19 vì có một số trường hợp sau 2 tuần mới phát bệnh. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), Andrea Ammon đã đưa ra khuyến cáo trên tại cuộc điều trần thường lệ với các nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP).
Khuyến cáo được đưa ra trong bối cảnh Đức thông báo với giới chức EU rằng nước này có kế hoạch rút ngắn thời gian cách ly, sau khi Hà Lan và Na Uy có các động thái tương tự.
Tuần trước, Đức đã quyết định từ tháng 10 tới, những người trở về từ các khu vực ở nước ngoài có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ phải cách ly 5 ngày. Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang chứng kiến đợt tăng mới số ca nhiễm.
Toàn châu Âu ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm 46 ca/100.000 người, hầu như trở lại số ca nhiễm hồi tháng 3 - tháng bắt đầu giai đoạn đỉnh dịch tại châu lục này. Theo số liệu của ECDC, số ca nhiễm trong tháng 3 tại châu Âu đã bắt đầu tăng mạnh lên khoảng 40 ca/100.000 người vào cuối tháng 3 và tiếp tục tăng tới khoảng 70 ca/100.000 người vào cuối tháng 4. Số ca nhiễm tăng hiện nay một phần do các nước tăng xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Tại CH Séc, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Trong 24 giờ qua, nước này có 354 ca bệnh, nâng tổng số ca lên 26.127.
Số ca tử vong do COVID-19 ở Séc đang là 426 ca, thấp hơn các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở nước này đã gia tăng trong những ngày gần đây. Chỉ trong 5 ngày kể từ ngày 26-8, Séc ghi nhận số ca mắc mới cao hơn bất kỳ ngày nào trong làn sóng dịch đầu tiên.
Trong khi đó, Sắc lệnh do Chính phủ Nga công bố ngày 3-9 cho biết nước này đã nối lại các chuyến bay quốc tế với Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Maldives.
Chính phủ Nga đã chấp nhận tần suất 3 chuyến bay/tuần tới Cairo (Ai Cập), cũng như 2 chuyến bay/tuần tới Dubai và tới Sân bay quốc tế Velana của Maldives.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 3-9 cho biết Anh có thể đưa ra quyết định ngày 4-9 về việc liệu có áp đặt biện pháp cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Bồ Đào Nha sau các ca nhiễm COVID-19 bắt đầu gia tăng tại các địa điểm nghỉ mát nổi tiếng,
Chưa đầy 2 tuần trước, Anh cho phép những người đi nghỉ mát đến Bồ Đào Nha mà không có bất kì hạn chế nào, tuy nhiên sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 tại đây đã gây đồn đoán Bồ Đào Nha sẽ bị đưa trở lại danh sách các nước cần áp dụng các biện pháp cách ly.
Châu Phi: Đã xét nghiệm cho trên 11 triệu người
Trung tâm Phòng và kiểm dịch châu Phi (Africa CDC) cho biết đến nay, các nước trong châu lục này đã tiến hành hơn 11,8 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó 10,7% ca dương tính.
Tính đến sáng 4-9, số ca nhiễm của toàn châu lục đã lên tới 1,8 triệu ca và số ca tử vong hiện là 30.628 ca.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hy vọng sẽ bảo đảm 230 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho châu Phi.
rao đổi với báo giới ngày 3-9, ông Richard Mihigo, phụ trách chương trình vaccine của WHO tại châu Phi, cho biết lô hàng vaccine đầu tiên này sẽ cung cấp cho 20% dân số châu Phi, ưu tiên những người ở tuyến đầu chống dịch, các nhân viên y tế, sau đó mở rộng tới những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Ông cũng nhấn mạnh bất cứ vaccine nào đang phát triển cũng cần phải được thử nghiệm tại châu lục này.
Trong khi đó, ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) cho biết hiện chỉ có 2 trong số các vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm tại châu Phi. Ông nhấn mạnh việc thử nghiệm vaccine tại "Lục địa Đen" cần đảm bảo rằng các dữ liệu đầy đủ được thu thập dựa trên sự an toàn và mức độ hiệu quả của các vaccine tiềm năng đối với dân số ở châu Phi.
CEPI là tổ chức phối hợp với WHO đồng chỉ đạo kế hoạch phân bổ vaccine và thuốc điều trị bệnh COVID-19 mang tên COVAX. Dự án này được coi là một nỗ lực toàn cầu nhằm tìm lời giải cho bài toán làm sao để có thể phân bổ rộng rãi những vaccine này với mức chi phí vừa phải, để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận "vũ khí" phòng bệnh.
Mặc dù vậy, việc thực hiện kế hoạch có thể gặp khó khăn nếu không có sự cam kết từ các nước lớn và giàu có trên thế giới. WHO cho biết đã có 76 quốc gia giàu có trên thế giới cam kết tham gia kế hoạch COVAX. Tuy nhiên, ngày 1-9, Mỹ gây lo ngại với thông báo sẽ không tham gia kế hoạch COVAX do chính quyền của Tổng thống Donald Trump phản đối WHO.
Mới đây, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) John Nkengasong đã kêu gọi tất cả các nước tham gia kế hoạch COVAX. Theo lãnh đạo CDC châu Phi, tất cả các quốc gia đều phải đương đầu với cuộc chiến chống COVID-19 và nhấn mạnh sẽ không có quốc gia nào được an toàn nếu vẫn còn những ca bệnh COVID-19 ở các quốc gia khác.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)