Thêm địa chỉ chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

10/05/2023 - 07:47

 - Hoạt động từ tháng 11/2022, Phòng khám Y học cổ truyền từ thiện Chợ Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) trở thành địa chỉ của nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí, y, bác sĩ, lương y còn động viên tinh thần, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi để trở về cuộc sống đời thường.

Đối với những người tình nguyện đến đây làm việc, mỗi ngày đón tiếp bệnh nhân là một ngày trao yêu thương. Nhân sự của phòng khám khoảng 23 người, trung bình tiếp nhận từ 40 - 70 lượt bệnh nhân/ngày, không phân biệt hoàn cảnh, họ đều được thăm khám chu đáo, tận tình. Người bệnh được điều trị bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, sử dụng thuốc đông và tây y, tất cả đều miễn phí.

“Các anh, chị, em đến đây phục vụ với tinh thần tự nguyện, không đòi hỏi thù lao, trợ cấp. Trong đó, có 2 mẹ con là người khiếm thị ở huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), trước đây làm dịch vụ xoa bóp, nay dành toàn thời gian bấm huyệt cho bệnh nhân tại phòng khám. Để đảm bảo hoạt động xuyên suốt, chúng tôi chia nhau trực” - ông Nguyễn Thành Út (Trưởng ban điều hành phòng khám) chia sẻ.

Việc ra đời phòng khám là nội dung cụ thể hóa của chương trình phối hợp mô hình “2 an” giữa Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Công an tỉnh. Phòng khám được xây dựng trên 120m2 đất, gồm: Phòng xem mạch, nơi hốt thuốc nam; phòng điều trị nam và nữ, mỗi phòng có 12 giường bệnh, khu vực chờ khám bệnh… Tổng kinh phí xây dựng hơn 430 triệu đồng, do cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân trong và ngoài địa phương đóng góp.

Chứng kiến một ngày làm việc của các thành viên tại phòng khám, mọi người thêm trân quý tấm lòng, tình cảm của những lương y luôn hết lòng vì bệnh nhân nghèo. BS Nguyễn Thị Bạch Tuyết từng công tác tại Bệnh viện huyện Phú Tân (nay là Trung tâm Y tế huyện). Sau khi về hưu, thấy sức khỏe còn tốt và đồng cảm với người bệnh nghèo khó, bà tự nguyện đến đây làm việc. Đồng hành với bà, người bạn đời cũng đến đây góp sức. Bên cạnh đó, có cả những người ở xa, như trường hợp lương y Nguyễn Văn Thanh (tỉnh Đồng Tháp, chuyên chữa trị về xương khớp).

Bao nhiêu bệnh nhân là bấy nhiêu hoàn cảnh. Những người không có tiền chữa trị, sau khi khỏi bệnh, xúc động không nói thành lời. Những người có điều kiện, đã đi rất nhiều bệnh viện nhưng không thuyên giảm. Đến đây, sau khi được chữa khỏi, họ cùng gia đình quay trở lại hỗ trợ cho phòng khám từ vật chất đến tinh thần. Ông Sao Văn Hùng (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết, ông bị bệnh thoái hóa cột sống. Đợt về thăm quê (thị trấn Chợ Vàm), ông bị tê nhức nhiều hơn. Nhờ có người chỉ đến phòng khám, sau 1 tuần điều trị, ông cảm nhận sức khỏe đã ổn, không còn tê nhức.

Còn ông Đinh Hữu Nghĩa (xã Phú Lâm) là giáo viên về hưu, bị bệnh xương khớp nhiều năm, đến phòng khám điều trị hơn 1 tháng. Ông Nghĩa cho hay, do tuổi cao, căn bệnh khiến ông đau nhức, ban đêm trằn trọc cộng thêm cơn đau nhức, bị chuột rút… không tài nào ngủ được. Sau thời gian kiên trì điều trị ở đây, ông thấy chuyển biến tích cực, ngủ ngon giấc, mắt sáng hơn, không còn bị tê nhức.

“Tiếng lành đồn xa”, bệnh nhân ở các nơi tìm đến để được tư vấn sức khỏe, khám bệnh và điều trị ngày càng đông. Đa số bị tai biến, phải lưu trú thời gian dài. Kế đến là bệnh nhân mắc bệnh tuổi già, bệnh nghề nghiệp, điều trị sau tai nạn… Bữa ăn của các y, bác sĩ, lương y cũng như bệnh nhân, thân nhân đều do chùa Bửu Lâm lo liệu hàng ngày. Mặc dù hoạt động mới hơn nửa năm, nhưng phòng khám trở thành địa chỉ giúp rất nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật. Qua đó, nhận được sự chung sức, chung lòng của những tấm lòng thiện nguyện, vì sức khỏe.

Ông Nguyễn Thành Út cho biết, hiện nay, phòng khám duy trì hoạt động chủ yếu từ nguồn đóng góp của nhà hảo tâm và phật tử đến chùa Bửu Lâm. Nguồn thuốc điều trị đông, tây y được một số nhà thuốc tại TP. Long Xuyên và xã Phú Hiệp (huyện Phú Tân) hỗ trợ hàng tháng. Dù y, bác sĩ, lương y đến đây làm việc với tinh thần tự nguyện, nhưng vẫn hỗ trợ một phần phí xăng xe cho người ở xa, hoặc ở lại trực ca.

Ngoài ra, các thiết bị chữa bệnh phải mua mới liên tục, nhất là kim châm cứu, đôi lúc hoạt động gặp khó khăn. Phòng khám đang đề xuất Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo hỗ trợ thêm chi phí để tiếp tục hoạt động chữa trị, lan tỏa giá trị nhân văn vì cộng đồng.

HOÀI ANH