Vụ đánh bom mới nhất xảy ra lúc 21h20 (giờ địa phương) tại một căn hộ ở thị trấn Sidoarjo, cách thành phố Surabaya 34 km. Căn hộ này nằm ngay sau một văn phòng của cảnh sát địa phương.
Người phát ngôn cảnh sát tỉnh Đông Java Frans Barung Mangera cho biết một gia đình 6 người sống trong căn hộ này và 2 người trong đó - gồm người mẹ và cậu con trai 17 tuổi - đã thiệt mạng tại hiện trường trong khi 3 đứa trẻ khác nhỏ tuổi hơn bị thương. Ông Mangera cho biết cảnh sát tới hiện trường sau vụ nổ đã bắn chết người cha vì người này đã đe dọa kích nổ một quả bom.
Trước đó ngày 13-5, tại Surabaya, thành phố lớn thứ hai ở Indonesia, đã xảy ra liên tiếp 3 vụ đánh bom nhằm vào 3 nhà thờ khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Điều tra sơ bộ cho thấy thủ phạm thực hiện vụ tấn công là một gia đình 6 người, gồm bố, mẹ cùng 4 con từ 9 đến 18 tuổi.
Lực lượng cảnh sát cơ động Indonesia làm nhiệm vụ tại hiện trường một vụ đánh bom nhà thờ Pentecostal ở Surabaya ngày 13-5. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảnh sát tỉnh Đông Java cho biết gia đình này có quan hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và nằm trong số 500 người Indonesia theo IS trở về từ chiến trường Syria. Trong loạt vụ tấn công ngày 13-5, người chồng đã lái một xe ô tô chở chất nổ đâm vào cửa một nhà thờ, hai vụ tấn công nhằm vào 2 nhà thờ khác sau đó, một vụ là do vợ cùng hai con gái 9 và 12 tuổi thực hiện, vụ còn lại do 2 con trai riêng 16 và 18 tuổi của người chồng tiến hành.
Nhà thờ Công giáo Thánh Maria Tak Bercela, nhà thờ Thiên chúa giáo Indonesia và nhà thờ Central Pentecost ở thành phố Surabaya là 3 địa điểm bị tấn công trong ngày 13/5. Lực lượng chức năng đã phong tỏa các con phố bao quanh 3 nhà thờ này để tiến hành điều tra và phá dỡ chất nổ còn sót lại.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngay sau các vụ đánh bom liên hoàn 3 nhà thờ ở Surabaya, nhiều thành phố và khu vực lớn tại Indonesia như thủ đô Jakarta, Riau, Đông Java và hòn đảo du lịch Bali đã được đặt trong tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất
Cảnh sát trưởng Jakarta, Tướng Idham Azis cho tất cả các khu vực trong thẩm quyền của Cảnh sát Jakarta đã được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất cho đến khi có thông báo mới.
Cảnh sát tỉnh Đông Java cũng nâng mức báo động an ninh lên mức 1, đồng thời kêu gọi tất cả các nhà thờ tại Surabaya ngừng hoạt động cho tới khi tình hình được thông báo an toàn.
Tại quần đảo Riau, khu vực xa xôi nhất của Indonesia, tình trạng cảnh báo an ninh cũng được nâng lên mức cao nhất. Cảnh sát trưởng tỉnh Riau, Tướng Didid Widjanardi cho biết an ninh đã được thắt chặt tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, đặc biệt là trong các nhà thờ. Trong khi đó, Bali, hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia, nơi đã từng hứng chịu các cuộc khủng bố đẫm máu, cũng lập tức được siết chặt an ninh ngay trong ngày xảy ra các vụ đánh bom liều chết tại Surabaya.
Theo người phát ngôn của Cảnh sát Bali, Hengky Widjaja, cảnh sát đã tăng cường tuần tra và thắt chặt an ninh trên toàn khu vực Bali và tất cả các đồn cảnh sát. Cảnh sát Bali cũng kêu gọi người dân trên đảo giữ bình tĩnh và nâng cao cảnh giác, giảm bớt các hoạt động ở các khu vực công cộng trong những ngày tới và thông báo ngay cho cảnh sát gần nhất nếu thấy các hoạt động đáng ngờ. Bali cũng tăng cường kiểm soát và siết chặt tại các cửa ngõ vào hòn đảo này, trong đó có sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai, cảng Gilimanuk nối Bali với đảo Java, cảng Padangbai Port nối Bali với đảo Lombok và các cảng biển khác ở khu vực Bali. Cảnh sát Bali cũng đặc biệt lưu ý an ninh tại các khu du lịch, các địa điểm tôn giáo các lãnh sự quán tại Bali.
Theo Báo Tin Tức