Thêm sân chơi rèn luyện sức khỏe cho nữ giáo viên

17/03/2022 - 06:31

 - Bóng chuyền hơi không phải môn thể thao mới lạ, đặc biệt rất vừa sức với phái nữ. Tuy nhiên, trong trường học, có nhiều giáo viên nữ mới lần đầu tiếp cận bộ môn này. Từ bỡ ngỡ đến yêu thích, luyện tập và mạnh dạn tham gia thi đấu, bóng chuyền hơi nhanh chóng trở thành phong trào được các đơn vị trường học hưởng ứng.

Giải bóng chuyền hơi nữ được vận động viên các trường THPT hưởng ứng sôi nổi

Lần đầu tiên tham gia giải đấu do công đoàn ngành giáo dục tổ chức, các nữ vận động viên “không chuyên” gặp nhau liền xởi lởi: “Toàn là dân tay ngang, không biết thi đấu ra sao, cứ phát động là đăng ký thôi”. Rất nhanh chóng, sau khi đội hình của từng trường cơ bản đủ về số lượng, giáo viên thể dục và các thầy có kinh nghiệm đã dành thời gian cấp tốc hướng dẫn cho các cô về luật chơi, cách chơi, phối hợp giữa các thành viên trong đội… Ngày chính thức thi đấu, các cô vẫn không ngớt khoe sự “dũng cảm” khi tham gia bộ môn chưa từng biết trước đó, khoe những vết bầm trên đôi tay sau những ngày đầu luyện tập. Sân chơi hào hứng diễn ra trong lời cổ vũ nhiệt tình của đồng nghiệp khiến mỗi trận đấu càng thêm sôi nổi và kịch tính.

Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Nguyễn Chí Sơn cho biết, do năm nay tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nên chỉ tổ chức quy mô ở huyện Châu Phú và Châu Thành. Qua thi đấu vòng loại ở 2 cụm, có 4 đơn vị vào vòng chung kết, gồm: Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS và THPT Vĩnh Nhuận, THPT Thạnh Mỹ Tây và THPT Trần Văn Thành.  Hai năm trải qua dịch bệnh, vừa lo chống dịch, vừa lo chuyên môn, những dịp mở sân chơi cho các đơn vị gặp gỡ giao lưu được các thầy, cô nóng lòng trông đợi. Dù hạn chế về số lượng và quy mô giải đấu, song mọi người vẫn phấn khởi vì được giải tỏa tinh thần sau thời gian dài căng thẳng.

Các cô trần tình, hàng ngày đi dạy, về nhà lo nội trợ, buổi tối còn phải tất bật với giáo án, hồ sơ và rất nhiều công việc không tên. Ở trường học dù có sân chơi thể thao, như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… nhưng các cô ít tham gia, chủ yếu dành cho các thầy luyện tập cuối giờ. Một phần vì các cô ít sắp xếp được thời gian, mặt khác thì e ngại với những môn vận động nhiều, đòi hỏi kỹ thuật…

Tâm tư của phái yếu được các huấn luyện viên thấu hiểu, từ luyện tập đến thi đấu đều quán triệt tinh thần: “Chơi để rèn sức khỏe, còn thi đấu giao lưu thì vui là chính”. Vậy mà sau giải đấu, ai nấy đều thích thú, rủ nhau từ nay phải chơi môn này thường xuyên để có cơ hội giao lưu với đồng nghiệp trong tỉnh nhiều hơn.

Cô Trương Thị Mộng Tuyền (công tác tại Trường THPT Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), chia sẻ: “Làm quen với môn thể thao này rất thích. Chúng tôi đều mong muốn các giải thi đấu tương tự sẽ được duy trì, mở rộng quy mô để thu hút giáo viên ở nhiều đơn vị tham gia. Sau này, khi có đơn vị tổ chức, phát động giao lưu tôi nhất định đăng ký. Chơi tốt cũng được, chưa tốt thì tích lũy kinh nghiệm, chủ yếu là rèn luyện thể chất để khỏe, thoải mái tinh thần”. Đầu năm đến nay, cô Tuyền đã 2 lần tham gia giải bóng chuyền hơi nữ do công đoàn ngành giáo dục phát động. Cô cũng như nhiều người khác, ban đầu ái ngại vì không biết đánh bóng, sợ đánh không nổi. Nay trở thành vận động viên tích cực thuyết phục các đồng nghiệp mạnh dạn đi thi đấu với đơn vị các huyện.

Tại trường, sau những giờ dạy, giáo viên chia thành các nhóm nhỏ để đánh bóng chuyền, đá cầu, chơi cầu lông. Năm ngoái, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giáo viên ở lại nhà công vụ thời gian dài bèn rủ nhau chơi thể thao để đỡ buồn, bóng chuyền hơi là một trong số môn được lựa chọn.

Gắn bó với đơn vị 16 năm nay, vì hoàn cảnh xa quê, cô Nguyễn Phượng Hằng ở nhà công vụ để bám công việc. Cô Hằng cho biết, những năm trước, điều kiện của trường còn khó khăn, chưa có sân chơi thể thao mà chỉ có sân cát, rồi đến sân gạch thô sơ. Tùy điều kiện, giáo viên chơi những môn thể thao nhẹ nhàng. Giờ đây, trong trường có thêm bóng chuyền hơi là môn được đông đảo giáo viên nữ yêu thích và luyện tập.

Thể thao là môi trường có thể kết nối mọi người gần nhau một cách dễ dàng, nhất là những môn mang tính tập thể như bóng chuyền hơi. Thông thường ở các hội thao quy mô cấp huyện, tỉnh, từng môn thi chỉ chọn vài nhân tố nổi trội từ cơ sở. Tuy nhiên, không vì vậy mà những giải đấu quy mô nhỏ hơn sẽ kém phần hấp dẫn. Bởi ở đó có sự kết nối tinh thần đặc biệt, sự đoàn kết trong cùng đơn vị, sự tự tin của mỗi cá nhân khi đứng trong một sân chơi vừa sức và tìm thấy niềm yêu thích để theo đuổi luyện tập.

MỸ HẠNH