Lực lượng an ninh túc trực trước nhà thờ Thánh Anthony ở thủ đô Colombo, một trong số 3 nhà thờ bị đánh bom - Ảnh: Reuters
“Chúng tôi đang tiến hành điều tra vụ nổ phía sau một tòa án tại Pugoda, cách thủ đô khoảng 40 km về phía đông”, phát ngôn viên cảnh sát Ruwan Gunasekera nói. Ông nói vụ nổ không gây thương vong nhưng không nói rõ chi tiết, theo Reuters.
Ngay sau đó, lực lượng an ninh cảnh báo nguy cơ có bom đặt ở gần trụ sở ngân hàng trung ương ở thủ đô Colombo. Tất cả nhân viên được yêu cầu không được rời khỏi trụ sở này và các con đường gần đó được phong tỏa, theo Reuters.
Trong khi đó, lực lượng an ninh phong tỏa tuyến đường chính hướng đến sân bay ở thủ đô Colombo sau khi phát hiện một xe nghi chứa bom.
Trước đó, vào ngày 24-4, lực lượng an ninh phát hiện ít nhất một kiện hàng và một xe tải chứa bom ở Colombo.
Chính phủ cảnh báo nguy cơ các phần tử khủng bố sẽ tiến hành những đợt tấn công mới sau vụ đánh bom hàng loạt nhà thờ, khách sạn ở Colombo cùng vùng lân cận ngay vào ngày lễ Phục Sinh (21-4), khiến 359 người thiệt mạng và 500 người bị thương.
Trong ngày 25-4, quân đội triển khai thêm hàng ngàn binh sĩ trên toàn quốc để hỗ trợ cảnh sát truy lùng các đối tượng đứng sau vụ đánh bom.
Phát ngôn viên quân đội Sumith Atapattu cho hay quân đội đã tăng cường từ 1.300 lên 6.300 lính bộ binh để hỗ trợ cảnh sát. Còn hải quân và không quân triển khai thêm 2.000 người.
“Chúng tôi được trao thêm quyền lục soát, tịch thu, bắt giữ theo quy định sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn toàn quốc. Các binh sĩ có nhiệm vụ chốt chặn an ninh, tuần tra và hỗ trợ cảnh sát trong chiến dịch truy lùng nghi phạm”, ông Atapattu nói với AFP.
Chính phủ đồng thời áp đặt lệnh cấm máy bay không người lái và tất cả giấy phép đã cấp bị đình chỉ ngay lập tức.
Lễ an táng tập thể các nạn nhân thiệt mạng tại nghĩa trang ở thị trấn Negombo - Ảnh: Reuters
Cảnh sát đã bắt giữ thêm 16 đối tượng bị tình nghi dính líu với nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước NTJ sau chiến dịch tối 24 và rạng sáng 25-4. Tính đến nay, có 75 nghi phạm bị bắt giữ để thẩm vấn.
Chính phủ xác định NTJ đứng sau vụ đánh bom với sự hậu thuẫn của mạng lưới khủng bố nước ngoài. Trong khi đó, tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom đẫm máu.
Kẻ chủ mưu vụ đánh bom được cho là giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Zahran Hashim. Theo giới chức Sri Lanka, Hashim được cho là thành viên hoặc thủ lĩnh của NTJ.
Kẻ được IS nêu là chủ mưu Zaharan Hashim (không che mặt) chụp ảnh chung với các phần tử đánh bom liều chết ở Sri Lanka - Ảnh: Reuters
Trong đoạn phim do IS công bố, Hashim lên tiếng kích động các phần tử đánh bom liều chết bịt mặt “lên đường làm nhiệm vụ” và cả nhóm cùng tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena ngày 24-4 yêu cầu người đứng đầu lực lượng cảnh sát và Bộ trưởng Quốc phòng vì họ nắm thông tin tình báo do Ấn Độ cung cấp từ trước nhưng không thể ngăn chặn vụ đánh bom.
Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ khi lực lượng ly khai Hổ Tamil bị đánh bại và nội chiến Sri Lanka kéo dài 26 năm kết thúc hồi 2009.
Theo Thanh Niên