Thiếu phân bón có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực

18/10/2023 - 09:56

Trên khắp châu Phi và một số khu vực ở châu Á, gián đoạn trong chuỗi cung ứng phân bón đang đẩy giá lương thực lên cao và làm gia tăng tình trạng thiếu đói.

Phân bón kham hiếm

Một nhà kho tại nhà máy trộn phân bón ở Gombe, Nigeria. Ảnh: New York Times

Suleiman Chubado (27 tuổi) không nắm rõ nguyên nhân khiến giá phân bón tăng hơn gấp đôi trong năm qua, nhưng anh cay đắng nhận thấy được hậu quả. Chubado không có đủ phân để bón cho nông trại của anh ở Đông Bắc Nigeria do đó các cây ngô trở nên còi cọc và nhợt nhạt, thân cây khẳng khiu ngả cong hướng xuống đất.

Trong ngôi nhà bằng bùn, Chubado đã quen với việc giải thích cho hai con nhỏ và người vợ đang mang thai tại sao họ phải ăn hai bữa một ngày, đôi khi chỉ một bữa, trong lúc bụng đói cồn cào.

Chubado mong muốn có thể cho các con học đại học. Một phần nông sản thu hoạch được anh sẽ để dành cho gia đình và phần còn lại bán đi để lấy tiền. Không có thêm nông sản dôi dư để bán trong năm nay, Chubado không thể mua 3 bộ đồng phục cho con trai Abubakar (10 tuổi) và thay vào đó chỉ chu cấp được cho cậu bé 1 bộ. Có những ngày, Abubakar than phiền rằng đồng phục quá bẩn do đó cậu bé không chịu đến trường học.

Anh nông dân Suleiman Chubado tại nông trại ở Yola, Nigeria. Ảnh: New York Times

Tại thành phố bụi bặm Gombe (Nigeria), Kasim Abubakar - một người buôn phân bón 28 tuổi - đang suy ngẫm về lượng hàng tồn kho ngày càng giảm của mình với cảm giác sợ hãi sâu sắc hơn. Đó là tháng 7/2022, 5 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và bắt đầu mùa cao điểm nông dân bón phân. Anh đã đặt hàng 700 bao urê với một nhà sản xuất ở Nigeria. Phải đến tháng 10, bốn tháng sau mùa cao điểm, anh mới nhận được số hàng của mình.

Năm nay, Abubakar đặt hàng 2.100 bao NPK, hỗn hợp của ba chất dinh dưỡng chính, từ một nhà cung cấp ở Lagos. Anh ta trả trước 48 triệu naira, tương đương khoảng 61.000 USD. Vài tuần sau, Abubakar nhận được thông báo rằng việc sản xuất tại nhà máy bị tạm dừng. Abubakar không nhận được lô hàng của mình và phải chờ 4 tháng để được hoàn tiền. Với lượng hàng tồn kho hạn chế, doanh số bán hàng của anh đã giảm một nửa.

Tờ New York Times (Mỹ) cho biết người nông dân tại các quốc gia thu nhập thấp đang chật vật vì phân bón khan hiếm và đắt đỏ, năng suất giảm sút, giá lương thực tăng cao và nạn đói lan rộng.

Với những người nông dân không thể mua nổi phân bón, đó thực sự là bi kịch. Họ không thu hoạch đủ nông sản để cung cấp cho gia đình, không có sản phẩm dôi dư để bán lấy tiền. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng vọt do lạm phát.

Xung đột Nga - Ukraine đã làm giảm lượng xuất khẩu ngũ cốc và khiến giá các mặt hàng chủ lực như lúa mì từ Ai Cập đến Indonesia tăng vọt. Nguồn cung cấp lương thực thế giới cũng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu với sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt.

Hiện nay, phân bón khan hiếm và đắt đỏ kết hợp với các yếu tố khác đang đe dọa sinh kế của nhiều người.

Gián đoạn trong sản xuất phân bón thách thức truyền thống đã thống trị thương mại quốc tế nhiều thập niên. Các nhà kinh tế học từng thúc đẩy toàn cầu hóa như một biện pháp bảo vệ trước các biến động. Ví dụ như khi các nhà máy ở một địa điểm không thể sản xuất được hàng hóa, họ có thể huy động chúng từ nơi khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh nông dân trên khắp châu Phi và một số khu vực ở châu Á phải vật lộn với tình trạng thiếu phân bón, nỗi thống khổ của họ chứng tỏ một khía cạnh khác của nền kinh tế liên kết đó là việc phụ thuộc chung vào sản phẩm quan trọng từ các nhà cung cấp chiếm ưu thế sẽ gây ra mối nguy hiểm lan rộng khi các cú sốc xuất hiện.

Một khu chợ tại Yola, Nigeria. Ảnh: New York Times

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ đại dịch COVID-19 khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu phân bón tăng cao. Sau đó xung đột Nga-Ukraine ập đến. Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn. Nga cũng là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn của thế giới. Xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái đã cản trở khả năng vận chuyển lương thực và phân bón của hai nước này ra thị trường toàn cầu.

Cuối cùng, trong 18 tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã mạnh tay nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong nước. Điều này nâng giá trị của đồng USD so với nhiều loại tiền tệ khác. Bởi vì các thành phần phân bón được định giá bằng USD nên chúng trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều ở các nước như Nigeria.

Theo một cuộc khảo sát của tổ chức quốc tế ActionAid, kể từ tháng 2/2022, giá phân bón đã tăng hơn gấp đôi ở Nigeria và 13 quốc gia khác. Ngân hàng Thế giới (WB) lo ngại tình trạng mất an ninh lương thực đã “ở mức báo động” tại phần lớn Tây và Trung Phi. Dựa trên dữ liệu từ Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, chỉ riêng ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, gần 90 triệu người - khoảng 2/5 dân số - phải chịu cảnh “không đủ thực phẩm tiêu thụ”.

Nông dân tại nhiều nơi đang chuyển từ trồng các mặt hàng chủ lực như lúa và ngô sang các loại cây trồng ít giá trị hơn như đậu nành và đậu phộng, vốn cần ít phân bón hơn.

Đối mặt với mức giá bất thường của phân bón vô cơ hoặc thương mại, một số nông dân đang chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ trong đó có phân động vật. Các chuyên gia cho biết về lâu dài, điều đó sẽ tốt hơn cho đất đai, chất lượng thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Nhưng có thể phải mất nhiều năm để cây trồng được bón phân hữu cơ đạt năng suất tương đương sử dụng phân bón thương mại.

Theo Báo Tin Tức