Thủ tướng Liban Hassan Diab. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Thủ tướng Liban Hassan Diab ngày 10-8 đã chính thức tuyên bố từ chức.
Động thái diễn ra giữa lúc sự bất bình và giận dữ của công chúng cũng như ngay cả trong các thành viên nội các ngày càng gia tăng sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4/8.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Diab đã chính thức tuyên bố về việc từ chức của Chính phủ do ông đứng đầu.
Theo Thủ tướng Diab, vụ nổ ở cảng Beirut tàn phá thủ đô và gây phẫn nộ dư luận là kết quả của nạn tham nhũng tràn lan.
Thủ tướng Diab cho biết ông ủng hộ lời kêu gọi của người dân Liban để những người chịu trách nhiệm về "tội ác này" bị đưa ra xét xử.
Trước đó, đã có một loạt quan chức cấp bộ trưởng tuyên bố từ chức.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nội các Liban phải chịu nhiều sức ép khi đã có tới 4 bộ trưởng quyết định từ chức, trong khi một số khác cũng bày tỏ ý định này.
Cùng ngày, Tổng thống Liban Michel Aoun đã chấp thuận việc từ chức của Chính phủ do Thủ tướng Diab đứng đầu, đồng thời yêu cầu Chính phủ của ông Diab tạm thời đảm nhiệm công việc cho đến khi nội các mới được thành lập.
Nội các của ông Diab chỉ mới được thành lập hồi tháng Một năm nay với sự hậu thuẫn của phong trào Hồi giáo Hezbollah.
Đối với nhiều người dân Liban, vụ nổ kinh hoàng hôm 4-8 đã “giáng một đòn mạnh” khiến cuộc khủng hoảng ở quốc gia này thêm trầm trọng, đẩy nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ, đồng thời cũng cho thấy vấn nạn tham nhũng và quản lý yếu kém của các cơ quan công quyền.
Ngày 4-8 vừa qua, một vụ nổ đã xảy ra tại nhà kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat ở cảng Beirut, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 158 người, trong khi hơn 6.000 người bị thương và hiện còn 21 người mất tích.
Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa và thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ USD.
Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên.
Sau đó vài ngày, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình và đụng độ với cảnh sát ở Beirut sau khi tụ tập trên đường phố.
Người biểu tình yêu cầu tiến hành cải cách và Chính phủ phải từ chức.
Các cuộc đụng độ đã khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh.
Theo TRƯƠNG ANH TUẤN (TTXVN)