Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bắt đầu chuyến thăm Pháp

25/06/2019 - 08:28

Đây là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Nga sang thăm Pháp kể từ sau chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Versailles, ngoại ô Paris, vào cuối tháng 5/2017.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đón Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 24-6 tại thành phố Le Havre, vùng Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp. (Nguồn: TASS)

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 24-6 đã tới thành phố Le Havre, vùng Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp, để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Edouard Philippe.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, đây là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Nga sang thăm Pháp kể từ sau chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Versailles, ngoại ô Paris, vào cuối tháng 5/2017, ít lâu sau khi Tổng thống Emmanuel Macron đắc cử.

Nội dung cuộc hội đàm xoay quanh các cuộc khủng hoảng khu vực, bao gồm Syria và Ukraine, cũng như các vấn đề kinh tế. Theo đánh giá của giới phân tích, cho dù ở Paris cũng như ở Moskva các quyết định quan trọng đều được quyết định ở cấp Tổng thống, cuộc gặp giữa hai người đứng đầu chính phủ cũng có ý nghĩa quan trọng. Thủ tướng Medvedev, không dừng chân ở Paris, sẽ trở về Moskva sau chuyến thăm Le Havre.

Trên thực tế, Tổng thống Macron muốn "tái khởi động mối quan hệ năng động" và tiếp tục "đối thoại chiến lược" với Nga, nhất là trong bối cảnh Pháp sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Canada, Italy và Nhật Bản, được tổ chức tại thành phố Biarritz vào cuối tháng 8 tới.

Vào tháng 3/2014, Nga đã bị loại trừ khỏi nhóm G8, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea và bị phương Tây cáo buộc là ủng hộ lực lượng ly khai miền Đông Ukraine. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài phát thanh truyền hình Thụy Sĩ RTS mới đây, Tổng thống Macron đã lưu ý rằng nhóm G8 sẽ không thể tái lập nếu không có tiến triển nào trong việc thực hiện Thỏa thuận Minsk.

Tổng thống Macron muốn thử khởi động lại đối thoại với Kremlin. Theo ông, châu Âu, trong trật tự đa phương mà ông đang bảo vệ, cần phải xây dựng lại một quy tắc mới về niềm tin và an ninh với Nga và không nhất thiết phải thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thỏa thuận Minsk, được ký kết vào tháng 2/2015 dưới sự bảo trợ của Paris và Berlin, đã đưa ra một lệnh ngừng bắn mong manh giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai. Tuy nhiên hầu hết các nội dung của thỏa thuận chưa thể được thực hiện./.

Theo LINH HƯƠNG (Vietnam+)