Thú vui săn chuột đồng

23/01/2020 - 07:49

 - Nông dân ở quê thường có thú vui bắt chuột đồng. Chuột đồng có quanh năm nên lúc nào rảnh rỗi là đi bắt. Tùy từng thời điểm có những cách bắt chuột khác nhau. Chuột bắt về ít thì anh em làm lai rai vài xị rượu, “tám chuyện đời”, nếu bắt được nhiều có thể đem ra chợ bán để tăng thêm thu nhập.

“1001” cách bắt chuột

Nếu nói đến bắt chuột thì hấp dẫn và thú vị nhất là dí cù hay giậm cù. Dí cù được hiểu đơn giản là bao quanh những con chuột trong một miếng lúa còn chừa cù lại để bắt.

Trên cánh đồng lúa đang cắt ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên, An Giang), gần 20 người từ trung niên cho đến thiếu niên đứng canh từng bó lúa đang được máy suốt cuốn vào. Lúa cuốn đến đâu, chuột chạy tán loạn đến đó. Thấy vậy, người vồ, người đập, người chộp đủ mọi tư thế. Đám con nít chạy lăng xăng, nhảy về phía mấy con chuột chụp lia lịa; đứa thì cầm bao đựng chuột, tiếng nói cười í ới làm không khí ngày mùa thêm nhộn nhịp.

Anh Trần Thanh Tú (ngụ xã Văn Giáo, Tịnh Biên) cho biết: “Muốn chuột còn tươi sống thì bắt xong, mình bẻ răng chuột rồi cho vào bao. Nếu muốn nhanh hơn thì đập chết chuột, sau đó dùng dây buộc lại là được. Bắt chuột kiểu này cũng lắm rủi ro, thường gặp nhất là bị chuột cắn. Răng chuột rất sắc nên khi bị chuột cắn máu chảy nhiều, chưa kể trường hợp bị lây bệnh, nhiễm trùng từ vết thương do chuột cắn”.

Gắn bó nhiều năm với đồng ruộng, chú Nguyễn Văn Lắm (Hai Lắm) nhớ lại thời gian cùng anh em trong xóm đi dí cù: “Trước đây, khi máy gặt đập liên hợp chưa có, lúa được cắt chủ yếu bằng tay. Những người cắt lúa thường mang theo 1 cái chài lưới hay 1 tấm lưới dài. Trong quá trình cắt, họ cắt từ ngoài vào trong. Đến khi diện tích lúa còn lại chỉ bằng 1 tấm đệm thì lấy chài bao xung quanh. Một hoặc 2 người vào trong vừa cắt lúa, vừa đuổi chuột. Chuột động chỗ, chạy thoát thân thì bị mắc vào lưới. Chuột càng giãy càng mắc chặt hơn. Từng con chuột sau khi được gỡ cho vào bao hay túi mang về”.

Ngoài dí cù còn có nhiều cách để bắt chuột, như: dùng chĩa đâm, nạn thun bắn những con chuột đang ẩn nấp trên cây. Hay phổ biến nhất là đào hang, đổ nước, xông khói bắt những con chuột đang ở trong hang trên các gò đất cao... Ngoài ra, người ta còn dùng bẫy bằng sắt, đặt theo các bụi cỏ, đống cây trên gò. Bẫy thường được đặt vào ban đêm, sáng sớm đến gỡ. Để đặt bẫy, người ta sử dụng mồi là cua (đã lột mai), bắp, dưa leo...

Mùa nước, cách bắt chuột chủ yếu là đi soi. Mùa nước nổi, các cánh đồng đều bị ngập, chuột không còn nơi trú ẩn, thường dồn lên các gò cao để sinh sống. Lúc này, chỉ cần 1 chiếc đèn soi và 1 cây chĩa, hoặc nạn thun… để bắt những con chuột đang ẩn nấp trên cây.

Hay như sáng kiến của lão nông Đỗ Văn Thiệt (xã Phú Xuân, Phú Tân, An Giang), vừa bảo vệ mùa màng, vừa tăng thu nhập. Cách làm của ông Thiệt khá đơn giản: sử dụng lưới cước bao quanh đất ruộng và dùng rập chuột thủ công để đặt.

Ông Thiệt cho biết, sáng kiến của ông được thí điểm từ năm 2014, trên diện tích nếp hơn 1ha. Ông Thiệt cho biết, làm cách này chi phí thấp, sử dụng nhiều năm, an toàn đối với người xung quanh.

Cải thiện thu nhập

Chuột đồng có nhiều loại nhưng ngon nhất vẫn là chuột cơm và chuột cống nhum. Vụ hè thu, đất ruộng ráo nước, bông lúa chín sớm rơi xuống đất tạo thành nguồn thức ăn dồi dào cho chuột.

Trước đó, nông dân bơm nước lên đồng để nuôi hạt nên cua, ốc từ đó lên theo. Sau khi rút nước, chúng trở thành nguồn thức ăn bổ dưỡng nên con chuột nào cũng to béo, mập mạp, thịt mềm thơm.

Chuột đồng thường được người dân chế biến nhiều món ăn dân dã, hấp dẫn. Chuột được lột sạch da, sử dụng muối, chanh để tẩy rửa. Thịt chuột sau khi tẩm ướp lá chanh, sả, ớt và các gia vị sẵn có tại địa phương có thể trở thành những món ngon, như: chuột nướng, chuột chiên, chuột xào… Người dân thường dùng rơm để nướng, thịt chuột vàng ươm và thơm phức. Thịt chuột đồng dai chắc như thịt gà nên dân “ăn nhậu” hay gọi vui là gà đồng.

Thịt chuột đồng hiện nay là món ăn khoái khẩu của nhiều người và ngày càng được ưa chuộng tại các nhà hàng, quán ăn. Chính vì vậy, nghề săn chuột đồng đang ngày càng phát triển ở nhiều địa phương.

Theo anh Nguyễn Văn Phong (một trong những thợ săn chuột ở thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang), mỗi ngày đặt bắt và thu mua của các hộ lân cận rồi vận chuyển xuống huyện Châu Thành (An Giang) để bán lại. Mỗi chuyến từ 50 - 100kg (tùy thời điểm). Hiện nay, chuột còn sống được thương lái thu mua với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg.

Ngoài bắt chuột, nhiều người dân còn có thu nhập từ việc làm chuột như các hộ ở chợ chuột Phù Dật (xã Bình Long, Châu Phú, An Giang). Tại đây, những người làm công được chủ trả từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày (tùy theo công việc). Phụ nữ, trẻ em phụ trách việc làm thịt chuột, cánh nam giới lo vận chuyển, khuân vác... nhờ vậy ai cũng có công ăn việc làm.

Nghề săn chuột đồng hiện nay đang được xem là nghề “tay trái”, vừa giúp cho bà con lao động có thêm thu nhập lúc nông nhàn, vừa góp phần bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, việc săn chuột có nhiều hệ lụy như: người dân vô tư đào hang tại các bờ đê, bờ ruộng, về lâu dài sẽ dẫn đến việc hủy hoại các bờ đê, gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân.

ĐÌNH ĐỨC