Thực thi pháp luật “lãng mạn”

16/02/2024 - 07:31

 - Pháp luật là hữu hạn, yên tĩnh, còn cuộc sống thường thay đổi, cần người xử lý cái chưa hoàn thiện của luật pháp và của con người. Dù chưa là độc nhất, nhưng phán xét sự việc như Nội tán kiêm Án sát sứ Nguyễn Khoa Đăng (triều nhà Nguyễn) khiến hậu thế thán phục việc thực thi pháp luật “lãng mạn” của tiền nhân.

Cảnh quan thời nhà Nguyễn xử án

Linh hoạt xử án

Là hậu duệ của công thần khai triều nhà Nguyễn, ông Nguyễn Khoa Đăng (1690 - 1725) thông minh ngay từ nhỏ. Khi 18 tuổi, ông ra làm quan, sau lần lượt giữ các chức: Nội tán kiêm Án sát sứ, Tổng tri Quân quốc Trọng sự, nổi danh là người trung thực, đức độ, không nể người quyền thế, đặc biệt có tài xử án, được sử sách lưu lại nhiều sự việc lạ thường, nhưng hiệu quả.

Sách Đại Nam liệt truyện ghi lại: “Người bán hàng dầu ở một chợ, sáng thấy  người cầm gậy dọ đường như ăn xin, cứ trà trộn nơi mua bán, kêu xa ra nhưng không đồng ý. Do luôn tay đong dầu cho khách, sau phát hiện tiền mất gần hết, còn “người mù” thì mất dạng. Người bán hàng la lên, táo tác đi tìm và gặp được nghi phạm. Khi tra hỏi, bị can nói mù mắt, không có lấy tiền, giữ chặt cái bị, suýt xảy ra ẩu đả nên sự việc được kiện đến quan Nội chính Nguyễn Khoa Đăng. Qua tra hỏi, “người mù” vẫn chối tội, thậm chí, đề nghị xử tội người vu oan cho mình. Ông Đăng sai lấy tiền trong bị ngâm vào chậu nước và váng dầu nổi lên, “người mù” cứng họng, dập đầu nhận tội. Ngoài phải trả tiền, ông kêu lính lệ đánh bị can vì tội giả mù. Quả nhiên, sau mấy gậy vào người, “người mù” mở mắt như bình thường”.

Một người trồng ruộng dưa đang chờ thu hoạch thì một đêm, bị kẻ xấu lấy xẻng phá hủy tan tành; nghi thủ phạm là hàng xóm nhưng không có chứng cứ nên trình báo đến cửa quan. Sau ngày nhận đơn kiện, cùng hỏi han, truy xét sự việc, Nguyễn Khoa Đăng đến ruộng dưa thị sát, biết kẻ gian ngoài cắt dây, phần lớn gốc dưa bị cán xẻng đập giập nát.

Ông thử “nếm gốc dưa” thấy có vị đắng, xác định là chứng cứ của vụ án. Ông cho lính lệ thu hết xẻng, đồng thời ra lệnh xẻng của ai biên tên vào đó, làm trái sẽ bị xử tội. Do số xẻng khá nhiều, ông dành riêng công cụ nghi là của thủ phạm. Đến khi thử nghiệm (lưỡi liếm vào xẻng), phát hiện một cái xẻng có vị đắng. Truy xét sự việc, người chủ xẻng không giải thích được, chịu nhận tội phá hủy ruộng dưa của người láng giềng, bị phạt gấp đôi số dưa bị phá hủy.

Tra hỏi hòn đá

Truông nhà Hồ ngày trước thuộc xứ Thuận Hóa (nay xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình), nổi tiếng bị nạn cướp giật, không để lại dấu tích, cuộc sống người dân nơm nớp lo sợ. Ở một làng, có nhà bị trộm cướp tài sản lớn, kiện đến quan Nội tán. Tiếp nhận vụ việc, ông Nguyễn Khoa Đăng cho nhiều người thân tín dò la tìm ra dấu tích bọn cướp.

Ông lệnh cho mỗi người dân nộp một bản khai họ tên đầy đủ, quê quán rõ ràng, ai giấu giếm sẽ bị trị tội. Đồng thời, ông tìm hiểu cuộc sống và tập quán, biết ở đây có hòn đá linh thiêng, nhang khói hàng ngày thờ “Ông Mốc” (dân chúng coi như một vị thần). Đánh vào tâm lý, lòng mê tín, Nguyễn Khoa Đăng rao mõ: “Nay ta vâng mệnh hoàng đế trấn nhiệm nơi đây, sẽ “hữu cầu tất ứng” với Ông Mốc cho dân chúng biết nhiều sự việc”.

Ông mật sai đào cái hầm ở nơi sân “cầu thần”, rồi cho người ẩn dưới hầm ấy. Sáng sớm, ông sai đem hòn đá lớn để lên trên hầm rồi dõng dạc hỏi đá: “Ta nghe thần đá linh thiêng, vâng mệnh vua đến hỏi tên họ bọn cướp ở đây đang làm hại dân lành. Mách hộ ta để truy tầm bọn cướp là có công; ta sẽ tấu xin triều đình phong tặng cho thần”. Hỏi một lúc đá không trả lời. “Như vậy, đã là đồng lõa bọn cướp, lính lệ đâu đánh đá thật mạnh cho ta”. Dưới hòn đá có tiếng kêu khóc, rồi nói ra mồn một họ tên bọn cướp. Quả nhiên, những tên đã bị “đánh dấu tên họ“ đều thú nhận.

Đòi nợ của trưởng công chúa

Sử sách nhà Nguyễn chép, thời đó, các hoàng thân quốc thích thường mượn tiền kho ăn tiêu xa xỉ, nhưng lâu mới trả lại, bức xúc quá, ông Nguyễn Khoa Đăng xin đòi nợ.

Để thực hiện, ông tâu với Chúa Nguyễn rằng: “Phép làm nên bắt đầu từ người thân trước, từ đó việc mới thành được”, được Chúa Nguyễn đồng ý. Nguyễn Khoa Đăng liền sai vài thị tỳ chờ trưởng công chúa từ phủ đi ra thì báo tin ngay. Nhận được tin báo, ông đến giữ kiệu lại đòi nợ, chị ruột Chúa Nguyễn giận quá vào cung khóc lóc: “Chúa thượng ơi, Nội tán sao dám làm thế với chị, không bênh vực cho chị được à?”. Chúa ôn tồn nói: “Phép nước phải thi hành từ người thân trước đã, Nội tán chấp hành đúng phép, thì làm thế nào cho được?”.

Chúa bèn cho tiền để bà chị trả nợ vào kho. Từ đó, hoàng thân quốc thích không dám tiếm dụng tiền, ai mắc nợ đều đem tiền đến trả.

Pháp luật dù có khiếm khuyết, nhầm lẫn mà có quan thực thi pháp luật nhân từ, đức độ như Nguyễn Khoa Đăng thì cũng khắc phục được. Cần ông quan thực thi pháp luật như Nguyễn Khoa Đăng cũng là nhằm khắc phục cái dôi ra của cuộc đời.

NGUYÊN HẢO