Thương binh Nguyễn Văn Đủ - thiếu mà đủ

27/07/2024 - 13:53

 - Chúng tôi ghé xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) khi trời mờ sáng, để theo chân ông Nguyễn Văn Đủ (60 tuổi, thương binh 1/4) trong một ngày tháng 7 đầy cảm xúc.

21 tuổi, ông Đủ tham gia nghĩa vụ quốc tế ở khu vực giáp ranh Campuchia – Thái Lan. Sự sống và cái chết cứ ẩn hiện trong từng lần thực hiện nhiệm vụ. Ông chứng kiến biết bao mất mát của đồng đội. Người thì hy sinh, người thì bị thương. 22 tuổi, sau một lần đi gỡ mìn, ông mất đôi bàn tay, trở thành thương binh ¼.

Đang độ tuổi thanh niên phơi phới, đang lành lặn, bỗng dưng thành người tật nguyền, ông cần rất nhiều bản lĩnh để vượt qua giai đoạn ấy.

“Tôi được điều trị nhiều tháng mới bình phục, được lắp tay giả phục vụ sinh hoạt cá nhân. Nhưng vướng víu quá, tôi không sử dụng, mà tập làm mọi thứ bằng những gì còn lại của đôi tay. Tàn, nhưng chắc chắn không được phế” – ông chia sẻ.

Ý chí của một người lính buộc ông phải sống thật tốt, phải tìm cách lo liệu cuộc đời mình. Không chỉ tự ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo… ông còn tập luyện để lao động như bao người dân quê mình.

Ông có thể điều khiển đôi mỏm tay cụt lủn bắt ếch, câu lươn, chài cá, chèo xuồng, nấu ăn, nghĩa là làm được bất kỳ điều gì người lành lặn làm được.

Bà Nguyễn Thị Điệp kể: “Hồi đó ổng đi câu lươn, ngày nào cũng đem ra bán cho bạn hàng gần nhà tôi. Mọi người thấy vậy, chọc ghép đôi. Lúc đầu, tôi không chịu. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ổng là thương binh nặng như vậy mà chí thú làm ăn, giỏi giang hơn nhiều người đủ tay chân. Còn kén cá chọn canh gì nữa! Từ lúc lấy nhau, chuyện nặng nhọc, ổng đều giành làm, tôi chỉ phụ giúp chút đỉnh. Dần dần, từ đôi tay trắng, vợ chồng tôi có dư, lo cho con cái đủ đầy”.

Mùa nào làm nghề nấy, mấy mươi năm nay, ông Đủ sống nhờ đồng ruộng, nhờ con nước sau nhà, nhờ tinh thần nghị lực, chịu thương chịu khó đến phi thường của bản thân. Bước vào tuổi 60, ngày ngày ông vẫn chèo xuống đi chài cá, đem bán đổi lấy tiền chợ. Ông tâm niệm, chỉ khi nào không lao động nổi thì mới “gác kiếm” nghỉ ngơi.

Những nỗ lực vươn lên của ông được chính quyền địa phương, Nhà nước ghi nhận. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen cho ông: “Thương binh suy giảm sức khỏe 96% đã có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội”.

30 năm lấy nhau, có 4 mặt con, bà Điệp đúc kết lại ngắn gọn: “Tôi có phước lắm mới làm vợ ổng”. Đi đâu, làm gì, dù lúc còn cơ hàn hay khi đã ổn định, họ vẫn luôn đồng hành cùng nhau, chia ngọt sẻ bùi. Bà sẵn sàng làm đôi tay cho ông, còn ông làm tròn trách nhiệm người chồng, người cha sau khi làm tròn nghĩa vụ cho Tổ quốc.

Mỗi dịp tháng 7, ông gặp lại đồng đội với màu áo lính quen thuộc. Câu chuyện của họ xoay quanh đồng đội bạn bè đã hy sinh, đã qua đời do tuổi tác; những kỷ niệm vui buồn của một thời khói lửa, vẫn rõ nét như mới hôm qua thôi.

           

Mớ cá tôm lúc sáng chài được, ông Đủ chọn những con to nhất, ngon nhất, mang đến nhà người bạn chiến đấu thân thiết – đại tá Phạm Thanh Kỳ (nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang). Ông tự làm mọi việc, bằng mỏm tay linh hoạt, đầy sức lực.

Như mọi năm, đại tá Phạm Thanh Kỳ tổ chức mâm giỗ liệt sĩ tại nhà riêng, mời những đồng đội một thời như ông Đủ đến “ôn cố tri tân”. Bao nhiêu chuyện đã qua, nhắc mãi mà vẫn chưa thỏa lòng…

Tranh thủ ít phút, ông Đủ lại cùng cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Tân đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện thắp nén nhang cho anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống. Trong bảng ghi danh, có những người là tiền bối của ông, có những người đi lính cùng thời với ông. Họ đều có điểm chung là anh dũng ngã xuống cho đất nước hồi sinh.

Trong nhang khói linh thiêng, những người lính lặng lẽ nhớ đến người đã hy sinh. Bản thân ông Đủ gánh chịu vết thương nặng nề của chiến tranh, nhưng như ông khẳng định: “Còn sống là hạnh phúc, may mắn hơn biết bao đồng đội của tôi!”. Ông thiếu đôi tay, nhưng đủ đầy viên mãn ở thời bình…

GIA KHÁNH