Thương cảnh không nhà của 3 mẹ con nghèo khó

14/02/2019 - 07:40

 - Không có được ngôi nhà thuộc về mình, bà Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1971) được hàng xóm cho nương náu trong ngôi nhà nền gạch, vách, mái tole dựng tạm trên mảnh đất tại khu dân cư ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh (Châu Phú) để lao động kiếm sống và nuôi 2 con gái: Hà Thị Bích Liên (sinh năm 2004), Hà Thị Bích Ngoan (sinh năm 2007) ăn học.

Hôm đến nhà bà Phượng, dù không khí Tết vẫn còn đọng lại nơi đầu đường, ngõ xóm nhưng bên trong “tổ ấm tạm” của 3 mẹ con bà Phượng lại lặng lẽ vô cùng, hầu hết những dụng cụ sinh hoạt sử dụng trong nhà đều được tận dụng, sửa chữa lại từ những vật dụng do hàng xóm bỏ đi, thứ duy nhất mang đến “mùi Tết” hiện diện trong “tổ ấm” này chính là phần quà được chính quyền địa phương trao tặng, vẫn còn nguyên vẹn đặt trên bàn gỗ giữa nhà. Nhìn quanh “tổ ấm tạm” của mình bà Phượng cho biết: “Ba mẹ con đã trải qua 2 cái Tết trong ngôi nhà này, dù nơi đây chẳng mấy khang trang nhưng đối với tôi nó là nơi che mưa, tránh nắng rất quý”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng và con gái Hà Thị Bích Ngoan

Kể về câu chuyện của cuộc đời mình trong những năm tháng đã qua, bà Phượng rưng rưng nhớ lại: “Ngày còn trẻ, tôi lập gia đình rồi sinh các con, gia cảnh khó khăn, gia đình dắt nhau lên Bình Dương để làm công nhân. Năm 2014, tôi gặp tai nạn giao thông, bị đa chấn thương, đôi chân không thể đi lại được, trong lúc khó khăn, chồng tôi đột ngột bỏ đi biền biệt”. Không nơi nương tựa, không thể trụ lại thành thị, không còn cách nào, bà Phượng đành dắt díu các con trở về quê tìm kế sinh nhai. Thương hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc của bà Phượng cùng 2 con, Ban Nhân dân ấp Hưng Thạnh đã tìm hỏi những nhà dân bỏ trống tại khu dân cư ấp Hưng Thạnh để 3 mẹ con có nơi nương náu.

Từ đó đến nay, cả nhà bà Phượng đã có đến 3-4 lần chuyển chỗ ở vì gia chủ có việc cần lấy lại nhà. Suốt gần 3 năm sau khi bị tai nạn giao thông, bà Phượng phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng để có tiền sinh sống và lo cho 2 con đi học, bà Phượngvẫn cố làm những công việc mà sức khỏe bà chịu được, như: xin vải vụn kết thành giẻ lau chân và may miếng nhấc nồi để bán, rồi nhận đan võng gia công… kiếm thu nhập đắp đổi qua ngày. Khoảng hơn 1 năm nay, khi đôi chân đi lại được bà Phượng bắt đầu làm công việc cắt bong bóng cá cho một cơ sở ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú). Do không có phương tiện đi lại, mỗi tuần bà Phượng quá giang người bà con ra xã Vĩnh Thạnh Trung để đi làm, đến cuối tuần mới về nhà. Từ công việc này, nếu làm siêng năng, mỗi ngày bà Phượng kiếm được khoảng 50.000 - 60.000 đồng.

Thương mẹ vất vả, Liên và Ngoan đều học hành chăm chỉ, thành tích học tập luôn thuộc Top 3 hạng đầu của lớp ở các năm học. Nhận thấy sức khỏe mẹ ngày càng giảm sút, trong năm học này, Liên đã nghỉ học cùng mẹ ra xã Vĩnh Thạnh Trung cắt bong bóng cá kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình và giúp em gái yên tâm học tập. Về phần mình, mỗi ngày, em Ngoan đều chăm chỉ đến trường, tự lo cho bản thân để mẹ và chị an tâm làm việc.

Hỏi về những dự định của 3 mẹ con trong thời gian tới, bà Phượng ngậm ngùi: “Mong ước lớn nhất của tôi là có được ngôi nhà nhỏ thuộc về mình để 3 mẹ con có nơi ăn, ở đàng hoàng, không còn trải qua những tháng ngày phập phồng lo sợ gia chủ lấy lại nhà. Gia cảnh khó khăn, sức khỏe yếu, cháu Liên phải nghỉ học để phụ giúp, tôi thấy thương con vô cùng nhưng chẳng thể làm gì hơn; giờ chỉ mong cháu Ngoan được học hành đàng hoàng, đến nơi đến chốn để cuộc sống sau này đỡ phải long đong ”.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội- Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn- Chi nhánh An Giang.

 

MỸ LINH