Thương mùa điên điển vàng đồng!

11/11/2021 - 07:50

 - Mùa lũ năm nay, con nước về chậm, con cá còn chưa kịp lớn đã vội ra sông lớn nhưng bông điên điển vẫn lấm tấm vàng trên những tán lá non. Mặc cho dịch COVID-19 đã làm cuộc sống thay đổi ít nhiều, nhưng điên điển vẫn hiện hữu ở những góc quê mùa lũ và giữ nguyên vẻ đẹp chân chất, bình dị mà quá đỗi thân thương.

Mùa điên điển buồn

Chẳng biết tạo hóa có cho điên điển thứ giác quan đặc biệt nào không, nhưng mấy nụ “mai vàng mùa lũ” ấy dường như cũng đi theo con nước. Nước chưa ngập đồng, điên điển cũng chẳng có bông. Nước lé đé bờ kênh, mới thấy chút sắc vàng hé lên trong cái màu non tươi của lá. Với dân quê, điên điển là chút gì đó của mùa lũ xưa còn sót lại, là ký ức và cũng là nỗi nhớ tuổi thơ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (người dân xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), đang mải miết hái những chùm hoa điên điển giữa mùa. Với chị, đây sẽ là một bữa ăn ngon cho gia đình trong “mùa COVID”, bởi thứ hoa đồng nội ấy mỗi năm chỉ nở một lần và kéo dài bằng thời gian của lũ. Tạo hóa cũng khéo sắp đặt vì những thức ăn dân dã, quê mùa ấy nếu đã “rặt” tự nhiên thì luôn mang vị ngon không gì thay thế được.

Chị Ngọc cho biết: “Điên điển đồng ăn có vị ngon đặc biệt mà loại điên điển Thái được trồng bán chợ không sánh được. Bây giờ, cây điên điển đồng đã không còn nhiều như ngày trước, nhưng người ta cũng tìm cách nhân giống để tới mùa hái ra chợ bán. So với những năm trước, mùa điên điển đồng năm nay vừa trễ, vừa ít nên dân quê cũng có chút buồn”.

Trong lời kể của người phụ nữ chân quê ấy, tôi thấy hiện lên hình ảnh chị và những người cùng xóm rủ nhau đi hái bông điên điển kiếm thêm thu nhập vào những mùa lũ trước. Tờ mờ sáng, họ đã í ới gọi nhau xuống xuồng, rọi đèn đi tìm những nụ hoa ươm vàng còn đang tắm sương đêm. Dù chỉ kiếm được dăm bảy ký mỗi ngày, nhưng các bà nội trợ ở quê cũng có thêm thu nhập. Năm nay, chị Ngọc không đi hái bông bán chợ mà chỉ ráng kiếm cho đủ nồi canh chua hay dĩa điên điển xào tép để bữa cơm gia đình phảng phất mùi hương của lũ!

Điên điển lưu giữ nét đẹp chân quê của mùa lũ miền Tây

Với chị Ngọc, người đã đi qua hơn 30 mùa điên điển, cũng thấy buồn cho loài cây dân dã này. “Năm nay, con nước vô đồng chậm nên cây điên điển đơm bông trễ. Đâu chỉ có bông điên điển mà dân câu lưới trong xóm tui cũng than thở vì nước lũ năm nay không mang cho họ nguồn sống như mong đợi. Còn tôi, không còn đi hái điên điển đem bán chợ nữa, phần vì dịch dã phức tạp, phần vì nước không có nên loại cây này cũng ít bông hơn!” - Chị Ngọc thiệt tình.

Đặc sản đồng quê

Dù không còn nhiều như trước nhưng điên điển đồng vẫn luôn là đặc sản của mùa nước nổi, bởi sức sống diệu kỳ của chúng. Tháng nắng, điên điển oằn mình dưới sức nóng miền nhiệt đới. Lũ về, điên điển bừng tỉnh rồi đâm bông vàng rực, góp cho người vùng lũ những món ăn ngon.

Cùng với cá linh non, bông súng hay cà na, bông điên điển trở thành món quà của mùa nước nổi. Bông điên điển ấp ủ tuổi thơ, lưu giữ ký ức của những ai lớn lên trên đất phù sa châu thổ, nuôi nấng tình yêu quê hương trong mỗi con người. Bởi thế, người xa quê đều nhớ da diết cái vị ngọt dân dã của những chùm bông điên điển.  Ngày còn nhỏ, mỗi lần trông thấy ngoài đồng xa phủ lên một màu của nước thì cũng là lúc bữa cơm nghèo của gia đình tôi bắt đầu xuất hiện bông điên điển.

Hồi ấy, đời sống tuy vất vả nhưng đặc sản của lũ còn nhiều và điên điển vô kể. Lúc còn nhỏ, tôi không thích lắm cái vị nhân nhẫn của bông điên điển. Khi lớn lên, mới cảm nhận được vị ngon ngọt chân chất của loại hoa đồng nội ấy. Điên điển xuất hiện trong thực đơn của người miền Tây rất đa dạng, từ rau ghém ăn với bánh xèo, mắm kho cho đến xào tép hay nấu canh chua, rồi đến tô bún cá, bún cua cũng điểm vào cái sắc vàng dân dã ấy. Dù được chế biến riêng hay trộn lẫn với các loại rau khác, điên điển vẫn nồng nàn hương vị phù sa.

 Có lần, những vị khách của tôi từ TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng vào đến An Giang cứ nhất quyết ăn cho được bông điên điển. Họ vừa ăn, vừa xuýt xoa cái vị ngon từ mùa lũ miền Tây. Lúc ấy, tôi thấy tự hào về loại hoa đồng cỏ nội đã trở thành đặc sản của vùng đất quê mình. Bây giờ, mùa điên điển cũng lặng lẽ hơn khi lũ về nhỏ và “mùa COVID” vẫn còn phức tạp. Ấy thế, vẫn có những người dân quê đi tìm điên điển như cố lưu giữ lại một chút thân thương của lũ.

Dù con nước năm nay không về như kỳ vọng nhưng điên điển vẫn xuất hiện trong những bữa cơm quê. Có lẽ, diễn biến của đất trời rồi cũng đổi thay, nhưng ký ức về mùa điên điển sẽ còn đọng mãi trong lòng những ai đã lớn lên trên đất đầu nguồn châu thổ. Để rồi trên bước đường mưu sinh xuôi ngược, bất chợt một lần người ta lắng lòng nghe câu hát: “ăn bông điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê…!”.

THANH TIẾN