Tiếp tục đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

16/03/2023 - 05:46

 - Tiếp tục ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều người cho rằng: Nên bỏ khái niệm hộ gia đình; việc ghi tên các thành viên hộ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là không cần thiết; cần khôi phục thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND các cấp…

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do UBMTTQVN tỉnh tổ chức, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Nông dân, Hội Luật gia, Tòa án nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát nhân dân, tôn giáo, nhân sĩ… cùng tham dự.

Theo đó, các đại biểu thống nhất: Luật Đất đai tác động to lớn đến sự phát triển của đất nước về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đời sống người dân. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này kế thừa Luật Đất đai trước đây, giảm bớt và bổ sung mới một số điều khoản quan trọng, phù hợp điều kiện thực tế. Các đại biểu thảo luận về quyền và trách nhiệm của nhà nước; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại...

Quang cảnh một buổi đóng góp ý kiến

Ông Đoàn Ngọc Phả (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh) đóng góp, việc tranh chấp đất đai của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức… thường rất phức tạp, chứng cứ chứng minh QSDĐ thường không rõ ràng. Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình sẽ cấp một GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi là "sổ hồng - sổ đỏ") ghi đầy đủ tên thành viên trên sổ và trao cho người đại diện. Việc xác định các thành viên chung QSDĐ trên giấy chứng nhận nhằm ràng buộc họ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đây là điểm mới so với quy định của pháp luật đất đai hiện hành. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc xác định các thành viên trong hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến giao dịch định đoạt QSDĐ. Để góp phần cải cách hành chính, kiến nghị bỏ khái niệm hộ gia đình, việc ghi tên thành viên hộ gia đình là không cần thiết.

Ông Nguyễn Quí Hân (nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh) kiến nghị, hộ gia đình là đối tượng sử dụng đất có quan hệ hôn nhân, huyết thống, có QSDĐ chung... được ghi nhận trong Luật Đất đai 2003 và 2013. Song, luật lại không quy định căn cứ nào để xác nhận đủ các thành viên của hộ gia đình. Trước đây, để xác định hộ gia đình, thường căn cứ vào sổ hộ khẩu. Nhưng các nhân khẩu trong hộ thường tách, nhập, ở nhờ... làm tăng, giảm nhân khẩu, rất khó quản lý. Trong tranh chấp QSDĐ chung, vấn đề nan giải là xác nhận thành viên hộ gia đình. Nay đã bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú... Cùng với việc tự do di chuyển, cư trú, dữ liệu dân cư do cơ quan công an nắm giữ nên việc xác định thành viên trong gia đình để ghi vào “sổ hồng”, “sổ đỏ” là không cần thiết. Nếu thành viên hộ gia đình muốn định đoạt QSDĐ thì họ sẽ tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm hoặc khởi kiện đến tòa án. Nếu bắt buộc phải ghi, dự thảo luật cần thống nhất căn cứ xác định thành viên hộ cho thuận tiện trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Trước hết, thực hiện nghiêm việc công khai, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng, thu hồi đất (trừ trường hợp vì an ninh, quốc phòng), hạn chế tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

Theo quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND cấp huyện, cấp tỉnh không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, mà sẽ thuộc tòa án. Việc này sẽ thu hẹp quyền lựa chọn của các đương sự trong giải quyết tranh chấp đất đai, chắc chắn gia tăng áp lực lên hệ thống tòa án các cấp trong quá trình thụ lý, giải quyết tranh chấp đất đai. Đây là đóng góp của ông Phan Ngọc Minh, thành viên Hội đồng tư vấn kinh tế - xã hội - UBMTTQVN tỉnh. Theo ông Minh, thực thi quyền tư pháp, cơ quan duy nhất là tòa án giải quyết tranh chấp là tiến bộ, nhưng hiện tại chưa phù hợp.

Trước hết, tòa án các cấp đang quá tải về công việc và thiếu nhân sự (cả nước thiếu 720 biên chế cấp tỉnh, 1.120 biên chế ở cấp huyện). Nếu tập trung 100% vụ việc tranh chấp các loại về tòa án giải quyết, chắc chắn án sẽ tồn đọng, kéo dài hơn so với hiện nay (80% án dân sự, hành chính liên quan đến đất đai và đa số quá hạn theo luật định). Ông Minh đề nghị, dự thảo luật nên khôi phục thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp, đảm bảo quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai của đương sự; giảm áp lực về số lượng vụ việc tranh chấp do tòa án phải giải quyết.

Ông Lê Minh Tùng (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) đề nghị, dự thảo luật cần khôi phục thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là UBND và tòa án như theo luật hiện hành; tổ chức, đương sự các bên trong vụ việc tranh chấp được quyền chọn cơ quan xem xét giải quyết. Bởi nguồn gốc, vị trí đất, nguyên nhân tranh chấp và biến động đất đai ở địa phương chỉ có UBND cấp xã nắm rõ. Đặc biệt, thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai của UBND các cấp sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại địa phương hiện nay. Đồng thời, có cơ chế xử lý nghiêm người dân, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước không tuân thủ quy định pháp luật. Trong dự thảo luật, có nhiều chương, điều, khoản không quy định chế tài hành vi của cơ quan quản lý, người có trách nhiệm... cũng cần điều chỉnh cụ thể, góp phần hoàn thiện dự thảo luật, sớm đưa luật vào cuộc sống, dễ thực hiện.

N.R