Các nhà điều tra nghi ngờ nhóm 6 người có liên quan đến vụ tấn công đường ống Nord Stream. Ảnh: onsortiumnews.com
Theo tờ Wall Street Journal ngày 16/3, bến du thuyền nhỏ ở ngoại ô Rostock, thành phố phía Bắc nước Đức này là địa điểm du lịch nổi tiếng vào mùa hè. Tình báo Đức cho rằng đây cũng là điểm khởi đầu cho vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, một cuộc tấn công chưa từng có vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự của châu Âu kể từ Thế chiến II.
Vào ngày 6/9, một nhóm nhỏ khởi hành từ Rostock trên chiếc du thuyền thuê Andromeda, một chiếc thuyền trượt có cột buồm đơn bề ngoài có vẻ như đang đi du lịch quanh các cảng Biển Baltic. Trong vòng hai tuần, nhóm này trả lại thuyền và biến mất.
Không lâu sau, vào ngày 26/9, một loạt vụ nổ dưới nước, đủ mạnh để các trạm đo địa chấn có thể phát hiện, đã làm vỡ 3 trong số bốn đường ống chính của Nord Stream, được xây dựng để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức.
Hàng trăm nhà điều tra từ Đức, Thụy Điển và Đan Mạch, với sự giúp đỡ của Mỹ và các đồng minh phương Tây khác, đã được huy động để tìm ra "kẻ đứng sau" vụ tấn công. Tàu ngầm đã được triển khai để khảo sát hiện trường vụ việc. Các cơ quan tình báo đã lùng sục các thông tin liên lạc và cảnh sát tăng cường tìm kiếm nhân chứng.
Sáu tháng trôi qua, bí ẩn vẫn chưa thể được giải đáp khi các nhà điều tra và nhà phân tích khó xác định việc ai có động cơ, mục đích và cơ hội để thực hiện vụ phá hoại.
Những nghi ngờ ban đầu ở nhiều nước châu Âu tập trung vào Nga, nước phủ nhận mọi liên quan. Các nhà phân tích suy đoán rằng chỉ một quốc gia có quân đội hiện đại mới có thể thực hiện một cuộc tấn công dưới nước phức tạp như vậy.
Tuy nhiên, các nhà điều tra hiện đang tập trung vào Andromeda và 6 người đã thuê chiếc du thuyền này. Các quan chức Đức đã được thông báo về cuộc điều tra cho biết họ nhận được báo cáo rằng một số người thuê du thuyền là người Ukraine. Họ cho biết những người khác có hộ chiếu Bulgaria, nhưng đây có thể là hộ chiếu giả.
Hiện các nghị sĩ Đức giám sát các cơ quan tình báo của nước này đã được thông báo về những phát hiện mới nhất và được yêu cầu giữ bí mật.
Nghị sĩ Ralf Stegner cho biết: “Luận điểm cho rằng đây phải là một hành động do nhà nước bảo trợ dường như đã sụp đổ. Có vẻ như bây giờ chúng tôi biết rằng đó có thể là một nhóm người không hành động thay mặt cho một nhà nước”.
Sau khi xem xét các hồ sơ cho thuê thuyền dọc theo bờ biển Baltic, các nhà điều tra đã nhắm vào Andromeda, theo các quan chức có liên quan đến cuộc điều tra.
Tuần trước, Tổng công tố Đức cho biết các nhà điều tra hồi cuối tháng 1/2023 đã khám xét một chiếc thuyền mà họ tin là có liên quan đến các vụ nổ. Các quan chức chính phủ Đức lưu ý dấu vết của chất nổ đã được tìm thấy bên trong chiếc du thuyền, khiến họ nghi là nó đã mang theo chất nổ được sử dụng trong vụ phá hoại Nord Stream.
Các nhà điều tra đã xác định rằng phí thuê Andromeda được trả bởi một công ty đăng ký ở Ba Lan, theo các quan chức Đức, và các nhà điều tra cho rằng công ty này được kiểm soát bởi các chủ sở hữu Ukraine.
Ít nhất một số người trong số 6 đối tượng tình nghi đã lên tàu Andromeda ở cảng Hohe Düne của Rostock, nơi phục vụ khách du lịch cao cấp và tổ chức các sự kiện du thuyền quốc tế. Từ đó, Andromeda đi đến Yachthafen Hafendorf ở Wiek trên đảo Rügen, một bến cảng không có camera giám sát vào ban đêm, theo René Redmann, chủ bến cảng.
Ông Redmann cho biết nhân viên của ông đã kiểm tra thuyền và ông đã bàn giao các bản ghi lịch trình tại bến cảng cho các nhà điều tra.
Trong số các câu hỏi mà các nhà điều tra phải đối mặt là liệu 6 người và một chiếc thuyền Andromeda có thể thực hiện một hành động phá hoại lớn như vậy hay không, điều đó có nghĩa là phải di chuyển một lượng lớn chất nổ và thiết bị lặn và cần có chuyên môn của các chuyên gia phá hủy dưới nước. Và liệu chúng có thể chỉ là một phần của một hoạt động rộng lớn hơn hay không.
Achim Schlöffel, một thợ lặn người Đức, người điều hành một trường dạy lặn và giúp các công ty bảo vệ tàu và các cơ sở dưới nước khỏi bị phá hoại, cho biết chất nổ có thể đã được đặt bởi một nhóm thợ lặn kỹ thuật được đào tạo bài bản, quen làm việc ở độ sâu như vậy - khoảng 80 mét.
Về phần mình, Trung úy Jens Wenzel Kristoffersen của hải quân Đan Mạch không đồng ý và bác bỏ ý tưởng về một nhóm nhỏ với một chiếc du thuyền có thể thực hiện vụ phá hoại. Viên sĩ quan này cho rằng mặc dù các thợ lặn có thể tiếp cận đường ống nếu được huấn luyện tốt, nhưng việc ở dưới nước trong một thời gian dài trong khi điều khiển chất nổ sẽ khó khăn hơn. Chiến dịch phá hoại rất có thể sẽ cần đến một đơn vị quân đội chuyên nghiệp có kỹ năng phá hủy dưới nước.
Hiện các nhà chức trách đã không tiết lộ công khai bất kỳ thông tin nào về danh tính của 6 nghi phạm trên tàu Andromeda; danh tính của họ là trọng tâm của cuộc điều tra đang diễn ra.
Các lực lượng điều tra cho rằng du thuyền Andromeda là phương tiện các đối tượng tình nghi sử dụng để thực hiện vụ phá hoại. Ảnh: Reuters
Từ tháng 6 đến tháng 7/2022, vài tháng trước cuộc tấn công Nord Stream, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã gửi cảnh báo tới đối tác Đức, BND và các cơ quan tình báo châu Âu khác rằng một nhóm có thể đang chuẩn bị tấn công đường ống Nord Stream. Cảnh báo bao gồm thông tin về ba công dân Ukraine đang tìm cách thuê tàu ở các quốc gia giáp Biển Baltic, bao gồm cả Thụy Điển, các quan chức này cho biết.
Vào tháng 10/2022, ngay sau vụ nổ, các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ đến thăm Berlin đã đề cập đến khả năng Ukraine có thể đứng sau vụ tấn công, theo một quan chức Đức. Các quan chức Mỹ hiện nay nói rằng các đối tượng tư nhân Ukraine có thể đã tổ chức và tài trợ cho các vụ phá hoại mà Chính phủ Ukraine không hề hay biết.
Các quan chức Ukraine, trong đó có Tổng thống Volodomyr Zelensky, đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ phá hoại Nord Stream, nói rằng cáo buộc này có lợi cho Nga.
Bất kỳ sự tham gia trực tiếp nào của Kiev liên quan đến vụ việc sẽ gây tổn hại cho sự thống nhất của liên minh phương Tây đang ủng hộ Ukraine. Một tiết lộ như vậy sẽ có tác động đặc biệt tiêu cực đến chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã từ bỏ lập trường hòa bình để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba thế giới cho Ukraine và là một trong những nước ủng hộ tài chính lớn, bất chấp sự nghi ngờ của các cử tri Đức.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã cảnh báo vào tuần trước rằng không có dấu vết rõ ràng về việc ai đứng sau vụ tấn công và có khả năng xảy ra một chiến dịch giả mạo được thiết kế để đổ lỗi cho Ukraine ngay cả khi nước này không liên quan đến vụ phá hoại.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một cuộc điều tra của Nga đã phát hiện ra rằng có thể có các thiết bị chưa nổ vẫn còn được gắn dưới các đường ống.
Theo CÔNG THUẬN (Báo Tin Tức)