Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Ngày 7/2, phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump đã nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ có mối quan hệ với Triều Tiên và với ông Kim Jong-un”.
Nhận xét về những cuộc tiếp xúc trước đó với Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump cho biết: "Tôi đã rất hợp với ông ấy, như bạn biết đấy. Tôi nghĩ tôi đã ngăn chặn được chiến tranh".
Ông cho rằng chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 của ông đã giúp ngăn chặn xung đột, đồng thời nói thêm: "Tôi nghĩ nếu tôi không thắng cuộc bầu cử đó, bạn sẽ rơi vào tình huống rất tồi tệ. Nhưng tôi đã làm được, và chúng tôi đã có mối quan hệ tốt đẹp".
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng khả năng “ăn khớp” giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên có lợi cho sự ổn định trên toàn cầu. "Tôi nghĩ rằng đó là một tài sản rất lớn cho tất cả mọi người khi tôi hòa hợp với ông ấy. Ý tôi là, tôi hòa hợp với ông ấy, ông ấy hòa hợp với tôi, và đó là điều tốt, không phải điều xấu", ông nói thêm.
Tổng thống Trump cũng lưu ý rằng các quốc gia khác, đặc biệt là Nhật Bản, đã thấy những giá trị trong cách tiếp cận ngoại giao của ông. "Tôi có thể nói với bạn rằng Nhật Bản thích ý tưởng này vì mối quan hệ của họ với ông ấy (Kim Jong-un) không mấy tốt đẹp, và nếu tôi có thể có mối quan hệ không chỉ với ông ấy mà còn với những người khác trên khắp thế giới, nơi dường như có những khó khăn, tôi nghĩ đó là một tài sản to lớn cho thế giới, không chỉ riêng Mỹ".
Hoạt động ngoại giao của Tổng thổng Trump với phía Triều Tiên đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Vào giai đoạn căng thẳng ban đầu vào năm 2017, ông Trump gọi ông Kim Jong-un là "người đàn ông tên lửa" và đe dọa "lửa và thịnh nộ" nếu Triều Tiên tiếp tục tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, sau quá trình tiếp xúc, tương tác, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên đã thiết lập được các cuộc đối thoại chưa từng có trong lịch sử.
Năm 2018, ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đã có cuộc gặp tại Singapore trong một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Cuộc họp đã đi đến một thỏa thuận chung về phi hạt nhân hóa, mặc dù các chi tiết cụ thể vẫn được đánh giá “còn khá mơ hồ”. Vào năm 2019, một hội nghị thượng đỉnh thứ hai đã được tổ chức tại Hà Nội. Tuy nhiên, hội nghị lần này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận sau những bất đồng về việc giảm thiểu các lệnh trừng phạt cũng như những vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cuối năm đó, ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến lãnh thổ của Triều Tiên trong một cuộc họp ngắn với ông Kim tại Khu phi quân sự (DMZ) tại biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc.
Theo RT, bất chấp các cuộc gặp lịch sử, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên dường như đã bị đình trệ và Bình Nhưỡng tiếp tục các hoạt động thử tên lửa. Những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm duy trì mối quan hệ cá nhân với Lãnh đạo Kim Jong-un, bao gồm cả việc trao đổi thư từ, đã không dẫn đến một thỏa thuận phi hạt nhân hóa cụ thể. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn khẳng định rằng ngoại giao trực tiếp của ông đã ngăn chặn được một cuộc xung đột lớn và có thể được khôi phục trong tương lai.
Bên cạnh đó, theo nhiều nhà phân tích đánh giá, với những phát biểu trên của ông Trump cũng như những điều ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên thì việc có những hội nghị thượng đỉnh, những cuộc tiếp xúc hội đàm song phương với Triều Tiên trong thời gian tới là điều không có gì là không thể. Dù mong manh, nhưng những cơ hội đó cũng đang khiến cho tình hình thế giới trở nên sáng hơn trong một bức tranh đa màu với hàng loạt cuộc xung đột hiện nay.
Theo Báo Tin Tức