Tình cảnh ở Barcelona: Dậy cơn sóng ngầm

20/04/2020 - 19:22

Suốt thời gian qua, Barcelona đã vấp phải rất nhiều vụ lùm xùm bê bối nội bộ và bầu không khí tại đội bóng xứ Catalunya dường như đang ngày một căng thẳng hơn.


Chủ tịch Bartomeu liên tiếp vướng vào những mâu thuẫn nội bộ ở ban lãnh đạo Barca. Ảnh: DM

Tình cảnh của CLB bóng đá nổi tiếng xứ Catalunya tiếp tục "dậy sóng" sau khi cựu Phó chủ tịch Emili Rousaud của CLB Barca - người mới tuyên bố từ chức - mới đây cho biết, ông sẽ phát động một chiến dịch pháp lý chống lại Chủ tịch Josep Bartomeu vì cho rằng "có nhiều khoản thanh toán bất hợp pháp ở đội bóng".

Nhóm 6 thành viên trong Ban lãnh đạo nộp đơn từ chức mới đây đã trích dẫn vụ việc mà truyền thông gọi là “Barcagate” để coi đó là bằng chứng về sự quản lý yếu kém của Chủ tịch Bartomeu, trong khi cựu Phó chủ tịch Rousaud còn đi xa hơn nữa với những bình luận cho rằng, các loại quỹ của Barca đã bị xử lý một cách bất hợp pháp.

Theo ông Rousaud, có một nhân vật cấp cao đang tìm cách bòn rút khoản tiền rất lớn từ ngân sách để trục lợi bất chính. Cựu Phó chủ tịch Barca khẳng định sẵn sàng theo đuổi vụ việc đến cùng, đồng thời nhấn mạnh về sự vụ liên quan đến một số khoản thanh toán có phần mập mờ mà Blaugrana từng thực hiện.


Quan hệ của ban lãnh đạo đội bóng Barca đang khá rối ren. Ảnh: Sports

Trước những diễn biến trên, đại diện CLB Barcelona khẳng định sẽ mang vụ việc cựu Phó Chủ tịch Rousaud cáo buộc có tham nhũng trong nội bộ kiện ra tòa án.

Trong lúc chờ đợi cuộc chiến pháp lý chính thức diễn ra, cũng như chờ kết quả kiểm toán, ông Rousaud đã xây dựng trang web nhằm thu thập sự ủng hộ của các đối tác và người hâm mộ, để chống lại Chủ tịch Bartomeu.

Tháng 1-2014, cựu Chủ tịch Sandro Rosell – người tiền nhiệm của Bartomeu, từng phải từ chức sau những bê bối chuyển nhượng Neymar. Sau cuộc điều tra kéo dài, ông Rosell bị tạm giam năm 2017, không cho tại ngoại, vì chiếm dụng 57 triệu euro mua Neymar. Từ đó đến nay, Barca thường xuyên ra tòa khi cùng Neymar kiện cáo về các khoản tiền chưa thanh toán.

Đây là diễn biến mới nhất của “Barcagate” - với những đấu tố lẫn nhau và cuộc chiến quyền lực chưa từng có trong lịch sử CLB xứ Catalunya. Động thái này cho thấy nội bộ Barca dưới thời Chủ tịch Bartomeu đã lên tới đỉnh điểm của sự rối ren sau những đấu đá quyền lực nội bộ.

Một cuộc bầu cử sớm nhằm hạ bệ Bartomeu cũng được nhiều thành viên trong đội bóng Barcelona kêu gọi, đây cũng là cách duy nhất mà họ cho rằng sẽ giải quyết được khủng hoảng nội bộ. Đáp lại những kế hoạch không mấy tốt đẹp dành cho mình từ nhiều thành viên đội bóng, Chủ tịch Bartomeu khẳng định mình sẽ không từ chức. Chưa biết vụ bê bối trong nội bộ Barcelona sẽ tiếp tục đi đến đâu, nhưng điều mà người hâm mộ đội bóng này lo lắng nhất là phong độ của toàn đội sẽ thế nào khi trở lại thi đấu sau COVID-19.


Nếu không nhanh chóng xử lý những mâu thuẫn, Barca sẽ đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng. Ảnh: Eurosport

Chắc chắn những vấn đề nội bộ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thi đấu của các cầu thủ, bởi chính Ban lãnh đạo câu lạc bộ khiến họ không thể toàn tâm, toàn ý cống hiến cho đội bóng. Đây là điều bất lợi cho Barca khi nhiều đội bóng lớn khác của châu Âu đã đưa ra những lời đề nghị có cánh với các trụ cột của Barcelona để chiêu mộ họ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè này.

Mối quan hệ giữa Bartomeu và các cầu thủ tại Barca dần xấu đi sau khi Neymar chuyển sang PSG vào năm 2017. Ngoài sự ăn ý trên sân, tiền đạo người Brazil có mối quan hệ cực kỳ thân thiết với Messi và Suarez. Cá nhân Messi cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn Neymar trở lại khoác áo Barca.

Trở về Camp Nou thi đấu là ý định rõ ràng và không hề tồi của ngôi sao sinh năm 1992 người Brazil, điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề tiền bạc vẫn đang là khúc mắc rất lớn trong mối quan hệ giữa Neymar với CLB xứ Catalunya.


Những bất đồng ở Barca cũng đến từ những cuộc chuyển nhượng cầu thủ. Ảnh: Eurosports

Cùng với đó, việc chiêu mộ ngôi sao tiền đạo Antoine Griezmann từ Atletico Madrid, đã khiến nội bộ Barca căng thẳng.

Trong hợp đồng "bom tấn" này, Chủ tịch Bartomeu được xem là "tự ý" thực hiện mà không hội ý với các trụ cột như Messi đã ảnh hưởng đến chuyên môn của đội bóng. Giờ đây, khi Griezmann ngày càng gây thất vọng trong khi "phe Messi" bắt đầu lấy lại uy tín, Griezmann có thể trở thành một phần trong thương vụ đưa Neymar trở lại Barca.

Barca không giống như những CLB khác về mặt chủ sở hữu. Ông chủ đích thực của CLB hùng mạnh này là những CĐV danh dự - được gọi là các "socis" (có khoảng 170.000 socis sở hữu Barca) - và chủ tịch CLB cũng chỉ là người làm thuê.

Tình hình nội bộ tại Barcelona lúc này được miêu tả không khác gì một mớ bòng bong sau khi "sóng dữ" bắt đầu cuộn chảy. Nếu không thể giải quyết dứt điểm, những vấn đề bên ngoài sân cỏ sẽ phần nào ảnh hưởng tới chuyên môn của đội bóng trên sân.

Dù kết quả có thế nào, một đội bóng khó lòng gặt hái thành công khi nội bộ của họ chia rẽ nghiêm trọng.

Barcelona đang trong cơn biến loạn, Lionel Messi - nguồn cảm hứng và trụ cột cho những thành công của đội bóng qua hàng thập kỷ nay - được xem là người người duy nhất có thể níu giữ "linh hồn" của đội bóng xứ Catalunya vào lúc này.


Messi được ví như hoa tiêu của "con tầu" Barca mất phương hướng lúc này. Ảnh:DM

Sự gắn bó của La Pulga là chìa khóa để Chủ tịch Bartomeu kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021 một cách êm thấm, đồng thời đảm bảo sự ổn định nhân sự cho Barca. Xa hơn nữa, Messi là chiếc cầu nối vững chãi nhất đến đưa gã khổng lồ xứ Catalan đến với danh hiệu và doanh thu (qua các nhà tài trợ).

Messi có hợp đồng với Barca đến 2021. Trong thỏa thuận trước đây, Messi được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng và rời Barca trong mùa hè 2020. Tháng Tư và tháng Năm là khoảng thời gian Messi được phép đưa ra quyết định về tương lai của mình.

 

Theo MINH ĐĂNG (Báo Tin tức)