Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên tế tại Manila. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Philippines khi quốc gia Đông Nam Á này ngày 28/3 ghi nhận hơn gần 9.500 ca mắc COVID-19, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp có trên 9.000 ca mắc mới.
Với dân số khoảng 110 triệu người, Philippines mới chỉ xét nghiệm cho hơn 9 triệu người kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 1 năm ngoái. Trong bối cảnh tuần lễ Phục sinh đến gần, Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhất trí áp đặt các biện pháp giãn cách ở mức cao nhất tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 29-3 đến ngày 4-4.
Trong khi đó, Thái Lan cũng vừa ghi nhận 77 ca mắc mới COVID-19 và thêm 1 ca tử vong. Trong tổng số ca mắc mới có 58 ca lây nhiễm cộng đồng, thủ đô Bangkok chiếm 32 ca và tỉnh Samut Sakhon chiếm 16 ca.
Ở nước láng giềng Campuchia, Bộ Y tế nước này ngày 28/3 cho biết các cơ quan chức năng đã phát hiện 86 ca mắc COVID-19 tại 10 tỉnh thành; trong đó tỉnh Preah Sihanouk là địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất (43 ca), tiếp theo là thủ đô Phnom Penh (25 ca).
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 28-3, để ứng phó với tình hình COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Lao động Campuchia quyết định gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại nước này cho đến hết tháng 5-2021.
Dịch COVID-19 toàn cầu nói chung và “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” tại Campuchia nói riêng đã khiến rất nhiều người nước ngoài đang có giấy phép lao động năm 2020 không thể trở về nước. Do đó, Bộ Lao động Campuchia thông báo tới tất cả chủ doanh nghiệp và nhà máy về việc giấy phép lao động năm 2020 của người nước ngoài sẽ có giá trị sử dụng tới tháng 5-2021.
Tại Malaysia, giới chức nước này vừa công bố kế hoạch thành lập hơn 1.400 trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, một phần trong giai đoạn 2 và 3 của Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19.
Tính điến thời điểm hiện tại, chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 của Malaysia đã tiêm được vaccine cho hơn 566.000 người và lịch trình tiêm sẽ được đẩy nhanh để có thể tạo miễn dịch cộng đồng trước khi kết thúc năm 2021.
Hiện đã có hơn 7 triệu người Malaysia đăng ký tiêm chủng ngừa COVID-19 thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh MySejahtera. Ở vùng sâu và xa, các tình nguyện viên do Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia (NADMA) đến tận nhà để vận động người dân đăng ký tiêm.
Theo TTXVN/Vietnam+