Hơn 461,83 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 41,19 triệu người chưa khỏi.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 2/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Đông Nam Á, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi người dân đi tiêm mũi tăng cường, khẳng định vai trò của mũi tiêm này giúp củng cố hệ miễn dịch. Thủ tướng Hun Sen kêu gọi mọi người dân đi tiêm mũi 3 để củng cố miễn dịch cộng đồng và đảm bảo tiến trình hướng đến mở cửa hoàn toàn đất nước sẽ không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Ông cũng yêu cầu các cơ quan y tế tập trung tiêm phòng cho công nhân các nhà máy dệt may, công trường xây dựng, người bán hàng rong và sinh viên. Campuchia đã triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia phòng dịch COVID-19 từ tháng 2/2021. Đến nay, 14,88 triệu người dân, tương đương 93% tổng dân số 16 triệu người, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Trong đó, 14,14 triệu người (88% dân số) đã được tiêm 2 mũi cơ bản, khoảng 8,22 triệu người (51%) đã được tiêm mũi 3 và 1,36 triệu người (8,5%) được tiêm mũi 4.
Ngày 24/4, Campuchia ghi nhận 16 ca mắc mới, không có thêm ca tử vong nào, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 136.216 ca và 3.056 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 6/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan thông báo 12/77 tỉnh, thành của quốc gia này sẽ sớm có thể tuyên bố COVID-19 là một bệnh đặc hữu trước thời hạn đặt ra để chấm dứt đại dịch trên toàn quốc vào tháng 7. Các tỉnh ở Thái Lan sẽ chuyển sang giai đoạn COVID-19 là bệnh đặc hữu khi tỷ lệ tử vong giảm xuống dưới 0,1% các ca nhiễm trong 2 tuần liên tiếp. Chính phủ Thái Lan đã ấn định thời hạn chót là ngày 1/7 để tuyên bố chấm dứt đại dịch.
Quá trình chuyển đổi COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu ở Thái Lan gồm 4 giai đoạn: Chiến đấu (cấp độ 4) từ 12/3 đến đầu tháng 4, Bình ổn (cấp độ 3) từ tháng 4 đến tháng 5, Suy giảm (cấp độ độ 2) từ cuối tháng 5 đến tháng 6 và Hậu đại dịch (cấp độ 1) từ ngày 1/7 trở đi. Ngoài 12 tỉnh trên, hiện Thái Lan có 21 tỉnh đang ở cấp độ 4 và 44 tỉnh đang ở cấp độ 3. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên toàn quốc vẫn tăng mặc dù số ca nhiễm có khả năng giảm xuống. Tỉ lệ tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc hiện nay là 0,31%. Thái Lan sáng 24/4 ghi nhận thêm 17.784 ca mới cùng 126 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 4.165.874 ca và 27.775 ca.
Malaysia thông báo ghi nhận thêm 5.624 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc kể từ đầu dịch lên 4.427.067 ca. Số ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này cũng tăng lên 35.491 người sau khi có thêm 9 bệnh nhân không qua khỏi. Malaysia cũng ghi nhận thêm 10.041 ca bình phục, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 bình phục lên 4.310.599 người. Hiện Malaysia vẫn còn 80.977 ca mắc đang được điều trị, trong đó có 89 ca được điều trị tích cực.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 23/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia thông báo thành phố Thượng Hải ghi nhận thêm 39 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 23/4, con số cao nhất kể từ khi thành phố này áp đặt lệnh phong tỏa từ đầu tháng 4 để ngăn chặn dịch. Với số ca tử vong mới ghi nhận tại Thượng Hải, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Trung Quốc đại lục tăng lên 4.725 người.
Giới chức y tế thành phố Thượng Hải đã nỗ lực nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân thể nặng để giảm tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này. Theo đó, 9 đội ngũ y tế chuyên điều trị các ca bệnh nặng đã được điều động bổ sung cho 8 bệnh viện được chỉ định điều trị COVID-19. Các nhóm này gồm 360 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị tích cực. Tại Bắc Kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Pang Xinghuo cho biết các quan sát sơ bộ cho thấy dịch đã "lây lan một cách vô hình" trong thủ đô từ một tuần nay, ảnh hưởng đến "các trường học, các nhóm du lịch và nhiều gia đình".
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Turin, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, một nghiên cứu được Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) công bố ngày 23/4 cho thấy nguy cơ tái nhiễm đang gia tăng ở phụ nữ, thanh niên trong độ tuổi từ 12-49 và các nhân viên y tế. Nghiên cứu của ISS nêu rõ nguy cơ tái nhiễm cao hơn ở những người đã mắccách đây 210 ngày, những người chưa tiêm vaccine hoặc những người mới chỉ tiêm 1 liều vaccine trong hơn 120 ngày, so với những người đã tiêm đủ liều vaccine.
Dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ tử vong trong số những người trên 5 tuổi không tiêm vaccine trong khoảng thời gian từ ngày 25/2-27/3 cao gấp khoảng 5 lần so với những người đã tiêm đủ liều vaccine và cao gấp 10 lần so với những người đã được tiêm nhắc lại mũi thứ ba.
Theo các số liệu thống kê mới nhất, 4,2 triệu người Italy đủ điều kiện tiêm chủng vẫn chưa tiêm mũi đầu tiên, trong khi 2 triệu người khác chưa tiêm liều thứ ba. Bộ Y tế Italy cho biết trong ngày 23/4, nước này đã có 70.520 ca mắc mới, so với 73.212 ca một ngày trước đó, trong khi số ca tử vong giảm từ 202 người xuống còn 143 người.
Theo LÊ ÁNH (TTXVN)