Những lỗi sai được một số chuyên gia và đồng bào dân tộc Dao chỉ ra là: Sử dụng lễ phục của người Dao đi chăn trâu; nhân vật nam mặc yếm của nữ; người phụ nữ Dao hành lễ trước bàn thờ tổ tiên... Đây là những điều không đúng với văn hóa của người Dao, thậm chí một số điều là tối kỵ nhưng lại xuất hiện trên phim.
Văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số rõ ràng là một đề tài rộng lớn và cần thiết phải phản ánh, quảng bá trên phim, ảnh. Sự thu hút với khán giả không chỉ là những khuôn hình, thước phim về những cảnh sắc hùng vĩ của miền núi mà còn là bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc ấy là phong tục, tập quán, âm nhạc, trang phục… đã hình thành và tồn tại lâu đời.
Nếu phản ánh không trung thực, lấy cái nhìn của một vài cá nhân người miền xuôi áp vào cộng đồng dân tộc thiểu số thì hậu quả sẽ không nhỏ. Thời gian qua, một số nghệ sĩ làm phim hài thường xây dựng hình ảnh người đàn ông dân tộc thiểu số ngây ngô, lạc hậu, xưng hô mày-tao với người khác... Những “hạt sạn” này lặp đi, lặp lại ở nhiều phim ảnh đã gây bức xúc trong nhiều khán giả cũng như một bộ phận cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Không phủ nhận đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng cao còn khó khăn, dân trí chưa cao; một số phong tục, tập quán còn lạc hậu hoặc chưa phù hợp với thời hiện tại. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bản sắc văn hóa các dân tộc này là thấp hay lạc hậu.
Cái khó là một số nhà làm phim do thiếu tìm hiểu, nghiên cứu kỹ, chưa thấu hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc. Do đó, có những chi tiết rất thường nhật của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng ẩn chứa ý nghĩa văn hóa riêng mà đoàn làm phim không nhận ra, vô tình làm sai lệch. Vì vậy rất cần sự nghiên cứu, tham khảo, tư vấn cẩn trọng từ các chuyên gia, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các nghệ nhân dân gian trước khi xây dựng kịch bản và bấm máy.
Tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số là điều phải được đặt lên hàng đầu.