Thủ tướng Italy Mario Draghi (giữa, hàng 3) phát biểu tại phiên bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của Thượng viện ở Rome, ngày 20/7/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 21/7, sau khi chấp thuận quyết định từ chức của Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã ký sắc lệnh giải tán Thượng viện và Hạ viện, chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến diễn ra vào ngày 25/9.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Mattarella cho biết: “Cuộc thảo luận, bỏ phiếu và các thể thức mà cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Thượng viện, ngày 20/7, cho thấy rõ ràng sự thiếu ủng hộ của quốc hội đối với chính phủ và không có triển vọng tạo ra đa số mới.
Do đó khó có thể tránh được việc sớm giải tán Thượng viện và Hạ viện. Việc giải tán Quốc hội trước thời hạn là sự lựa chọn cuối cùng.”
Về ấn định thời gian bầu cử, Tổng thống Mattarella nêu rõ: “Như đã chính thức thông báo, tôi đã ký sắc lệnh giải tán để kêu gọi cuộc bầu cử mới trong vòng 70 ngày theo kế hoạch.”
Tổng thống Mattarella cũng cho rằng chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi đã gặp phải những hạn chế trong hoạt động, nhưng có các công cụ để duy trì trong những tháng chờ chính phủ mới.
Tổng thống Mattarella nêu rõ: “Không thể tạm ngừng chính phủ trong thời điểm hiện nay, bởi chi phí năng lượng gây hậu quả cho các gia đình và doanh nghiệp, khó khăn kinh tế phải đối mặt.”
Thông báo của Tổng thống Mattarella về việc giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm do đòi hỏi của “tình hình chính trị” được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn từ chức trong cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất của Italy.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mattarella đã chấp nhận đơn xin từ chức của Thủ tướng Mario Draghi. Văn phòng Tổng thống cho biết chính phủ của ông Draghi vẫn tiếp tục nắm quyền để xử lý các công việc hiện tại cho đến cuộc bầu cử tiếp theo.
Phát biểu trước nội các ngày 21/7, Thủ tướng Mario Draghi thông báo, trong thời gian tại vị, chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp khẩn cấp liên quan đến đại dịch, cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát và chi phí năng lượng gia tăng, và tiếp tục thực hiện Kế hoạch Phục hồi để tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ mới.
Hiện các đảng phái ở Italy đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử. Chính phủ tiếp theo rất có thể sẽ là một liên minh bao gồm các đảng trung hữu, theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm nghi ngờ châu Âu.
Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Cải cách châu Âu, Luigi Scazzieri, cho rằng một liên minh như vậy “sẽ tạo ra một kịch bản biến động hơn nhiều cho Italy và Liên minh châu Âu (EU)”.
Theo TTXVN