Tổng thống Pháp muốn tăng cường biện pháp chống dịch Covid-19

08/10/2020 - 07:45

Ngày 7-10, Pháp ghi nhận 18.746 ca nhiễm mới, mức kỷ lục kể khi dịch xuất hiện ở nước này. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng có chiều hướng xấu đi, Tổng thống Pháp cho rằng, cần phải có thêm biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh cũng như một số nước Châu Âu khác.

Ngành dịch vụ của Pháp tiếp tục bị thiệt hại nặng nề do vắng khách và các quy định nghiêm ngặt phòng ngừa lây nhiễm

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, đã có một số cải thiện trong chiến lược chống dịch Covid-19, tuy nhiên chưa đủ để chặn đà lây lan rất nhanh trong mấy tuần vừa qua. Do vậy, các giải pháp nghiêm ngặt cần được áp dụng tại những khu vực có xu hướng "nóng" như ở phía nam hoặc vùng thủ đô Paris.

 Trong mấy tuần gần đây, số ca nhiễm mới ở Pháp liên tục tăng ở mức rất cao so với các nước chung quanh. Số người nhập viện hiện đã lên tới hơn 7.500 ca cùng với hơn 1.400 ca hồi sức cấp cứu. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính tăng rất nhanh, lên tới 9,1% vào ngày 7-10. 

Tại Pháp, có ít nhất ba trường hợp dương tính với virus corona ở cùng một nơi trong vòng bảy ngày thì được xác định là cụm dịch. Theo Cơ quan Y tế Công cộng Pháp, trường học hiện đứng đầu với 550 cụm dịch tính từ ngày 28-9. Như vậy mỗi tuần qua có hơn 160 cụm dịch mới, nhiều nhất là ở vùng thủ đô.

Đây là thống kê rất đáng lo ngại đối với các phụ huynh, nhất là những người đã buộc phải cho con ở nhà suốt mấy tháng trong đợt dịch thứ nhất. Hơn nữa, việc đóng cửa một trường hay lớp học được thực hiện ngay khi phát hiện một ca nhiễm trong những ngày đầu năm học mới vừa qua, nhưng bây giờ chỉ được thực hiện khi có một cụm dịch. Tiếp đó là các cụm dịch tại nơi làm việc, chiếm 18,4% trong tổng số hơn một nghìn cụm dịch tiếp tục được điều tra dịch tễ. 

Kể từ ngày 6-10, các quán bar hay cà-phê tại Paris và ba tỉnh phụ cận đã bị cấm hoạt động trong vòng 15 ngày. Dịch vẫn tiếp tục lây lan mạnh, tác động ngày càng nghiêm trọng tới ngành dịch vụ vốn chưa thể hồi phục kể từ đợt phong tỏa toàn quốc trong tháng 3. Theo nghiệp đoàn ngành dịch vụ gồm nhà hàng và khách sạn, 30% số cơ sở kinh doanh có thể sẽ trụ nổi trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Còn theo Viện Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE), hơn 700 nghìn việc làm đã bị mất trong nửa đầu năm nay và có thể lên tới 900 nghìn vào cuối năm.

Một số nước châu Âu cũng vừa đưa ra các hạn chế mới nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Ngày 7-10, chính quyền Bỉ thông báo việc đóng cửa các quán bar và nhà hàng từ 11 giờ đêm cùng với việc cấm uống rượu tại các nơi công cộng nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm. 

Tại Thụy Sĩ, số ca nhiễm mới lần đầu tiên đã vượt quá con số nghìn trường hợp/ngày kể từ ngày 1-4. Các nhà chức trách Thụy Sĩ kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch. Là nước ít bị ảnh hưởng nặng nề như các nước láng giềng trong đợt dịch trước, Thụy Sĩ đã không phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Tuy nhiên, tình hình trong những ngày gần đây cho thấy dịch có xu hướng lây lan nhanh cùng với số người nhập viện tăng.

Cùng ngày, Italy ra quyết định về việc bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc khi ra khỏi nhà, đồng thời kéo dài tình trạng khẩn cấp tới ngày 31-1-2021. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói rằng, nước này đã bước vào một giai đoạn mới với sự gia tăng của ca nhiễm mới, đòi hỏi phải có biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất. Quyết định này được đưa ra khi số ca nhiễm mới lên tới 3.678, tăng hơn một nghìn ca so với ngày 6-10 và là mức cao nhất kể từ giữa tháng 4. Có 31 trường hợp tử vong, mức cao nhất kể từ cuối tháng 6.

Theo KHẢI HOÀN (Báo Nhân Dân)