Trải nghiệm mùa nước nổi ở Vàm Nao

28/10/2022 - 07:17

 - Lũ lớn, những bãi bồi ven sông Vàm Nao (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) mênh mông biển nước, trông thật hấp dẫn. Người dân nơi đây đầy khẳng khái, nhiệt tình chào đón và phục vụ tận tình du khách đến trải nghiệm, tận hưởng mùa nước nổi.

Đồng nước bao la

Một ngày cuối tuần, chúng tôi về ấp Vàm Nao (xã Tân Trung, huyện Phú Tân) để trải nghiệm trên cánh đồng lũ. Đón chúng tôi là những nông dân “chân đất” nhiệt tình, nồng hậu. Chiếc máy lạch tạch đẩy chiếc ca-nô lừ đừ rẽ nước, đưa chúng tôi dạo quanh cồn, bãi ven sông Vàm Nao. Mùa nước lũ, nơi đây như một “ốc đảo”, nước chia cắt tứ bề. Những hàng điên điển mọc cạnh bờ ao “ngậm” đầy nước phù sa, căng tròn, trỗ vàng bông đu đưa theo gió.

Anh Vũ (một nông dân phục vụ du khách) trần tình, ngày nào không có khách, anh dong xuồng cui lặng lẽ rảo qua mấy khúc kênh hái được thau bông điên điển, kiếm thêm thu nhập. “Hôm nào cực ăn, tui chỉ cần xách tay lưới ra đồng giăng cá linh, cá rô. Tiện tay hái mớ bông điên điển đem về nấu canh chua me non, chấm nước mắm đồng, ngon bá cháy. Cuộc sống ở đây tuy cực, nhưng bù lại thiên nhiên cho mình sản vật đồng phong phú…” - anh Vũ cười hỉ hả.

Sông Vàm Nao dài khoảng 7km, nối ngang giữa 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, với độ sâu khoảng 20m, chảy qua các xã: Kiến An, Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), xã Tân Trung (huyện Phú Tân), xã Bình Thủy (huyện Châu Phú). Từ lâu, sông Vàm Nao gắn liền với câu chuyện kỳ bí “Ông Năm Chèo”, săn bắt cá hô hoặc câu chuyện “Nược đua”.

Đến nay, những câu chuyện đầy huyễn hoặc này vẫn còn truyền miệng trong dân gian. Con sông tuy ngắn nhưng vào mùa lũ rất hung tợn, bởi nước sâu chảy xiết và xuất hiện nhiều chỗ nước xoáy (dân gian gọi là “hồi oa thủy”). Khi người dân lái ghe, xuồng lưu thông đến dòng sông này đều lo ngại trước sức chảy của nước, bởi nước có thể “nuốt chửng” hoặc làm lật ghe, xuồng bất cứ lúc nào.

Đến Vàm Nao, ngoài ngắm cảnh sông nước hữu tình, du khách còn được bơi xuồng tắm lũ, dỡ đú, chài cá, hái rau muống, trái ấu... Chuyến trải nghiệm mùa nước nổi sẽ giúp du khách trở về tuổi thơ, sau bao năm xa quê và lớn lên cùng mùa lũ đầy lưu luyến. Anh Úa (một hướng dẫn viên du lịch (DL) thuộc Công ty DL V-ONE TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ, đây là lần thứ 5 anh dẫn du khách đến ấp Vàm Nao để trải nghiệm mùa nước nổi. Những du khách trong đoàn ai cũng tỏ vẻ thích thú.

“Khách DL rất mê khi được về với thiên nhiên, sông nước thanh bình. Đứng trên nhà sàn cao của ông Tám Hổ phóng tầm mắt nhìn xung quanh cồn, bãi, nước ngập lênh láng, rất thú vị. Ở đây, bà con nông dân phục vụ ăn uống nhiệt tình, ấm áp, với nhiều món đặc sản mùa lũ hấp dẫn…” - anh Úa cảm nhận.

Thưởng thức món “hương đồng”

Lũ không chỉ mang phù sa cải tạo ruộng đồng mà còn đem lại nguồn lợi thủy sản phong phú cho nông dân. Xuất phát từ nhu cầu khám phá mùa lũ của du khách phương xa, người dân xứ Vàm Nao rất nhạy bén. Họ tận dụng điều kiện “cây nhà lá vườn” để phục vụ khách DL mùa nước nổi.

Hôm cùng gia đình đi xem mùa nước nổi, cháu Ken (9 tuổi, ở TP. Long Xuyên) phấn khởi: “Con thích nhất món cá linh chiên bột, ăn với bông điên điển. Con cũng thích tắm lũ. Nước ở đây mát lạnh. Con được đi thăm đú, bắt cá linh, cua, tôm… thích lắm. Đây là lần đầu tiên con khám phá mùa nước nổi với ba mẹ nên rất vui”.

Vào mùa lũ, sản vật đồng tại đây rất phong phú, tận dụng lợi thế này, người dân hái rau, bông điên điển, đánh bắt cá linh, cá thiểu, cá sát, tôm, tép… chế biến tại chỗ để thực khách thưởng thức. Đang cùng hàng xóm lặt rau, bông điển điển, rửa cá, ông Hai Tuấn (60 tuổi), một đầu bếp “bất đắc dĩ” nói rằng, du khách phương xa rất thích những món đặc sản mang “hương đồng”. Thuở trước, cá lòng tong kho tiêu, cá linh chiên bột, lẩu cua đồng, bông điên điển… là món ăn dân quê trong mùa nước nổi. Không biết từ bao giờ, món ăn này trở thành đặc sản đối với du khách thành thị.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trung tâm DL An Giang (Hội Nông dân tỉnh), người rất tâm huyết về xây dựng tour DL khám phá Vàm Nao cho hay, mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đầu tư hạ tầng chưa đúng mức, nhưng đến nay mô hình này đã duy trì được 8 năm. Du khách đến đây được bà con nông dân tận dụng những gì sẵn có, phục vụ ăn, uống tại chỗ. Mỗi năm, tại ấp Vàm Nao đón hàng trăm du khách đến tham quan, khám phá. Riêng từ đầu mùa nước nổi đến nay, người dân địa phương đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm, thưởng thức món đặc sản đồng.

Quanh năm, vùng đất Vàm Nao kỳ bí này luôn chào đón du khách phương xa về đây khám phá. Du khách đến, rồi đi mang theo hoài niệm mùa nước nổi hữu tình.

 

THÀNH CHINH