Triển khai thi hành Luật Đất đai

28/03/2024 - 04:57

 - Ngày 18/1/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Để triển khai thi hành Luật Đất đai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai.

Ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 222/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (luật số 31/2024/QH15). Để triển khai thi hành luật đồng bộ và thống nhất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 222/QĐ-TTg. Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, kịp thời xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai; tổ chức rà soát các văn bản liên quan đến đất đai để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ.

Kế hoạch thực hiện Quyết định 222/QĐ-TTg đặt ra 6 nội dung: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật đất đai; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật Đất đai; xây dựng các đề án; tổ chức thanh, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai.

Tập trung triển khai thi hành Luật Đất đai đồng bộ, thống nhất

Thực hiện Quyết định 222/QĐ-TTg, ngày 5/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, UBND tỉnh ban hành Công văn 272/UBND-KTN. UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh hoặc trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh, đảm bảo phù hợp quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai. Trong đó, tham mưu UBND tỉnh gửi danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ về Bộ TN&MT. Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan xây dựng nội dung quy định chi tiết do Luật Đất đai giao chính quyền quy định chi tiết: Tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai; thời gian thực hiện trong tháng 5/2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật Đất đai, đảm bảo về tiến độ, thời gian theo quy định. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất trên địa bàn tỉnh, tham mưu quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số (Khoản 5, Điều 16). Tổ chức thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý, quản lý bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (Khoản 3, Điều 50). Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất (Khoản 3, Điều 55). Tham mưu công bố kết quả thống kê đất đai và báo cáo trước ngày 31/3 của năm kế tiếp, trừ năm kiểm kê đất đai (Khoản 3, Điều 59). Báo cáo kết quả kiểm kê đất đai trước ngày 30/6 của năm kế tiếp của năm kiểm kê đất đai (Khoản 4, Điều 59).

Cùng với đó, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh (Khoản 3, Điều 76). Báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước ngày 15/10 của năm cuối thời kỳ quy hoạch, kỳ kế hoạch sử dụng đất (Khoản 2, Điều 77). Hướng dẫn triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai (Khoản 3, Điều 167).

Tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai trong phạm vi của địa phương, bảo đảm đến năm 2025 kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Tổ chức quản lý, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm tại địa phương, đường truyền kết nối từ địa phương đến Trung ương phục vụ xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương. Chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai trong phạm vi của địa phương cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai tại địa phương (Khoản 3, Điều 170).

Tổ chức rà soát hiện trạng sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất mà có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương; tổ chức việc thu hồi đất để giao UBND cấp huyện nơi có đất để quản lý phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương; tiếp tục rà soát, thu hồi phần diện tích đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án sử dụng đất được phê duyệt nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho thuê, mượn, giao khoán hoặc khoán trắng cho người khác sử dụng trái pháp luật (các Điểm a, b, c và d, Khoản 1, Điều 181). Tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai đối với UBND huyện, thị xã, thành phố; đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh (Điểm b, Khoản 4, Điều 232).

UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện Khoản 3, Điều 114 của Luật Đất đai: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ ngân sách địa phương để cấp vốn điều lệ và hoàn ứng cho quỹ phát triển đất đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương”. Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai đến cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị bằng các hình thức phù hợp…

HỮU HUYNH