Xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong khu cách ly. Ảnh: GIA KHÁNH
Người về từ vùng dịch không khai báo y tế, bị xử lý hình sự
Người được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 được thông báo cách ly, thực hiện một trong các hành vi gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là thực hiện “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành.
Cụ thể, các hành vi: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối là vi phạm pháp luật.
Đối với người chưa xác định mắc bệnh Covid-19, nhưng sống trong khu vực có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa, nhưng lại thực hiện một trong các hành vi: trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về an toàn chỗ ở”.
Chủ doanh nghiệp hoặc người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ massage, cơ sở thẩm mỹ...) cố tình hoạt động khi đã có quyết định tạm đình chỉ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về an toàn chỗ ở”.
Xử phạt hình sự đưa tin giả, tin sai lên mạng
Theo hướng dẫn nói trên, người có hành vi lên mạng máy tính, mạng viễn thông đưa tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị chế tài theo quy định của BLHS. Cụ thể, người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19, bị xử lý về tội “Làm nhục người khác”.
Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định của BLHS.
Cũng theo hướng dẫn, người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ”. Đối với người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai, hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định của BLHS.
Xử lý tội phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Về áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, hướng dẫn của TAND Tối cao khẳng định: áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, như làm lây lan dịch bệnh cho từ 2 người trở lên, làm chết người.
Với trường hợp này, cùng trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả, hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng, chưa làm lây lan dịch bệnh, hình phạt chính là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật. TAND Tối cao yêu cầu các tòa án chủ động phối hợp với Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với vụ án không đủ điều kiện thì đưa ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn theo quy định. Theo Văn bản số 45, trong thời gian có dịch bệnh Covid-19, phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra xét xử, nhưng bảo đảm quy định về phòng, chống dịch. Phòng xử án bố trí tối đa không quá 10 người.
Nếu cần triệu tập nhiều người tham gia thì phải bố trí cho họ ngồi ở phòng khác và sử dụng các thiết bị điện tử (micro, loa, ti-vi, camera) để bảo đảm họ tham gia. Tòa án có thể xét xử lần lượt từng bị cáo, bố trí khoảng cách giữa những người tham gia tối thiếu là 2m.
Văn bản nêu: “Chỉ cho người được tòa án triệu tập vào phòng xử án để tham dự phiên tòa”. TAND Tối cao cũng yêu cầu trong quá trình xét xử cần có phương án tuyên truyền đối với các phương tiện thông tin đại chúng (như: đưa thông tin, hình ảnh, bài viết, phóng sự...) để bảo đảm công tác giáo dục, phòng ngừa chung.
N.R (Tổng hợp)