Tiết mục biểu diễn văn nghệ chào mừng. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Lễ hội năm nay có quy mô lớn hơn mọi năm với phần lễ uy nghiêm, phần hội rộn ràng, màn sử thi được đầu tư kỹ lưỡng tái hiện cuộc đời tu hành của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Lễ hội này nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2018 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai.
Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như chọi gà, trò chơi kéo co, ném còn, biểu diễn nghề thêu thủ công, các điệu múa truyền thống của người đồng bào dân tộc Dao Thanh Y tại Yên tử; biểu diễn nghệ thuật múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; Giải cờ tướng Yên tử; biểu diễn nghệ thuật tại địa điểm Cầu Thủy Đình, suối Giải Oan và các sân ga cáp treo; trưng bày hoa mai vàng Yên Tử...
Cảnh quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử năm nay được cải tạo; các hạng mục dịch vụ phục vụ nhu cầu du khách như bãi đỗ xe, khu đón tiếp, khu ăn uống cũng được bố trí khoa học hơn.
Chia sẻ về những nét mới trong Lễ hội Xuân Yên Tử năm nay, ông Nguyễn Duy Toàn, Phó trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết Lễ khai hội năm nay tăng quy mô phần rước lễ, ngắn gọn các phát biểu...
Theo Ban quản lý di tích quốc gia Yên Tử, năm nay tất cả các phương tiện vào Yên Tử đều dừng tại hai bãi đỗ xe đã được mở rộng và bố trí hợp lý ở khu vực dốc Hạ Kiệu, cách chân núi Yên Tử gần 1km. Từ đây, du khách có thể hành hương về vùng lõi di tích Yên Tử bằng xe điện hoặc đi bộ.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, tuyến cáp treo mới từ chùa Hoa Yên lên đến nhà ga số 4 mới (cách chùa Đồng 520m) đã đưa vào hoạt động được gần 20 ngày qua. Điều này giúp giảm bớt quãng đường so với từ nhà ga số 4 cũ đến Chùa Đồng xuống còn một nửa, việc phân luồng giao thông cũng được thông suốt hơn trong dịp lễ hội.
Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử có tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan đơn giản và đối xứng qua một trục chính nối từ chùa Giải Oan tới dốc Hạ Kiệu. Các công trình kiến trúc được bố trí hai bên trục chính này đều được hướng về khu quảng trường sân lễ hội. Du khách sẽ khám phá không gian khu vực này theo hai hành trình.
Hành trình "lên" với cảm hứng chính là "đạo" với những trải nghiệm tâm linh; hành trình xuống là "đời" với Làng hành hương. Đó sẽ là những trải nghiệm về đời sống sinh hoạt của cư dân trong một khu dịch vụ mang hình dáng một ngôi làng truyền thống với những nhà hàng, khu bán đồ lưu niệm, hàng thủ công, xóm thuốc đông y và nơi nghỉ cho khách hành hương...
Đông đảo du khách thập phương chảy hội Yên Tử trong ngày khai hội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Làng hành hương của Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử đã hoàn thiện với 75 phòng nghỉ (khoảng 300 giường). Khu vực Chợ quê trong Làng hành hương cũng đã được đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu tham quan và mua sắm của du khách. Và dự kiến đến tháng 11 âm lịch năm Mậu Tuất 2018, toàn bộ khu nghỉ dưỡng 5 sao, cung Trúc Lâm với sức chứa đến 2.500 chỗ và Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ được hoàn thiện và đưa vào phục vụ du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về tham quan.
Trước ngày khai hội, Ban Quản lý các công trình văn hóa tỉnh Quảng Ninh đã đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18A đoạn từ Dốc Đỏ đến Ngã tư Nam Mẫu (giai đoạn 1), đến nay đã cơ bản thảm xong nền đường vào Khu di tích, đảm bảo an toàn giao thông cho du khách.
Thành phố Uông Bí cũng nâng cấp tuyến đường từ ngã ba Nam Mẫu đi Vàng Danh, kết nối với tuyến từ ngã ba Nam Mẫu đi Hồ Thiên (Đông Triều) để giảm tải cho tuyến đường chính, đồng thời lấy hai tuyến đường này để phân luồng cho các phương tiện giao thông từ Yên Tử đến Hạ Long và Hà Nội.
Năm 2017 mùa Lễ hội xuân Yên Tử đã thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách đến tham quan và sinh hoạt tín ngưỡng. Năm nay với những thay đổi về cảnh quan và công tác tổ chức, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng sẽ đón tiếp khoảng 2 triệu du khách đến với Yên Tử.
Theo TTXVN